Du học Phần Lan vốn chỉ biết đến nhiều hơn qua cụm từ "không mất học phí", thế nhưng quy trình cụ thể thì lại ít ai nhắc đến.
Nói đến Phần Lan, có bạn đã hỏi mình “Phần Lan ở đâu?", “Đi học có mất tiền không?” hoặc “Ở Phần Lan thì học gì?”. Đây là cũng được xem như là một trong các câu hỏi cơ bản cho các bạn muốn đi du học Phần Lan mà chưa có hoặc chưa tìm hiểu được nhiều thông tin. credit-report-confusing Phần Lan là một quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu và trực thuộc Liên Minh Châu Âu (Khối Schengen). Phần Lan giáp với Nga về phía đông, giápThụy Điển về phía tây, Estonia về phía nam qua Vịnh Phần Lan và Na Uy về phía bắc. Người sở hữu tấm hộ chiếu Phần Lan có thể đi đến 175 quốc gia khác mà không cần phải xin thị thực. Đây được coi là tấm hộ chiếu quyền lực đứng thứ 3 thế giới vào năm 2016. Tại Phần Lan, ngôn ngữ chính là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Tuy nhiên, đa số người dân Phần Lan đều có thể nói một chút tiếng Anh. Khi đi siêu thị, đăng ký dịch vụ internet hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, bạn đều có thể sử dụng tiếng Anh mà không gặp nhiều khó khăn. phong-canh-phan-lan Du học Phần Lan tại thời điểm trước tháng 8/2017 thì các bạn sẽ được miễn phí toàn bộ học phí. Ở đây, miễn phí có nghĩa là không thu tiền chứ không phải là học bổng. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách thu học phí, các trường Đại Học Khoa Học Ứng Dụng sẽ niêm yết mức học phí tùy theo từng trường và có chính sách hoàn lại học phí cho sinh viên sau mỗi năm học. Cuối cùng, “Ở Phần Lan thì học gì?” – Phần Lan có nhiều chương trình học bằng tiếng Anh với các chuyên ngành khác nhau như Quản trị kinh doanh, Kỹ sư tự động hóa, Kỹ sư môi trường, Kỹ sư Xây dựng, Y tá điều dưỡng, Quản trị du lịch khách sạn… Có khá nhiều các chuyên ngành để bạn lựa chọn tùy theo niềm đam mê và lực học của bản thân. 18 Mình đã được du học Phần Lan vào cuối năm 2013 với chuyên ngành Quản trị kinh doanh và chương trình học bậc Cử Nhân này hoàn toàn được giảng dạy bằng tiếng Anh. Quá trình du học của mình được tóm gọn lại với 5 bước tương ứng với 5 mốc thời gian khác nhau trong năm.

Bước 1:Nộp hồ sơ đăng kí thi tuyển

Hạn nộp hồ sơ để đăng kí dự thi Kỳ thi tuyển của các trường Đại Học Khoa Học Ứng Dụng là vào khoảng tháng 1 – tháng 2. Các bạn được chọn 6 nguyện vọng tại các trường khác nhau và các ngành khác nhau nếu muốn

Bước 2: Nhận thư mời

Tháng 3, các bạn sẽ nhận được thư mời dự thi gửi đến địa chỉ đã được đăng kí trong hồ sơ. Tuy nhiên trước đó, các bạn hoàn toàn có thể tự ôn luyện Toán – Lý – Hóa hoặc đọc hiểu tài liệu “Pre-reading” dành cho các bạn thi khối Kinh tế, Du lịch (Tài liệu Pre-reading này đều được phát hành công khai trên trang chủ của các trường). Đây cũng chính là quá trình để các bạn dồn hết sức ôn luyện trước khi đến với bước tiếp theo.

Bước 3: Đi Thi

Trong thư mời, các bạn sẽ có thông báo về ngày giờ và địa điểm thi. Tùy theo khối ngành mà các bạn đã đăng kí mà kì thi sẽ được phân bổ vào các ngày khác nhau đầu tháng 4. Đối với những bạn thi khối Kinh tế như mình, các bạn sẽ làm các bài thi như Viết bài luận, Toán logic, Multiple Choice dựa theo Pre-reading mình có đề cập ở trên và cuối cùng là phỏng vấn.

Bước 4 và Bước 4,5: Xác định trường và khu vực sẽ theo học

Thường thì tháng 6 các bạn sẽ nhận được thông báo về điểm thi và việc đỗ hay trượt. Khi đó, các bạn có thể tự xác định được trường và khu vực mình sẽ theo học. Lúc này, việc quan trọng nhất là “confirm” việc trúng tuyển và chuẩn bị hồ sơ làm visa một cách nhanh nhất. Vậy còn bước 4,5 là gì? Đối với những bạn không đỗ, các bạn có thể sử dụng back-up plan đã có, chuyển hướng đi khác hoặc đơn giản là “dù sao cũng biết được kết quả”. Tất nhiên, đây là một bước không mong muốn với bất kì ai. Chính vì vậy, bạn còn có cả những phương án khác khi kết quả “có biến”.

Bước 5: Làm visa và mua vé máy bay

Thủ tục làm visa và mua vé máy bay. Những vấn đề liên quan đến chứng minh tài chính, dịch thuật công chứng, điền đơn… là công việc chính cho bước này. Giá vé máy bay, khối lượng cân nặng cho phép và việc quá cảnh tại các sân bay cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt là checklist của những thứ cần chuẩn bị hoặc không nên đem theo đối với du học sinh. Khi đó, việc chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước là thật sự cần thiết. Đó là những thông tin cơ bản về du học Phần Lan đối với các trường Đại Học Khoa Học Ứng Dụng (hệ UAS – University of Applied Sciences trong tiếng Anh và AMK – Ammattikorkeakoulu trong tiếng Phần Lan). Hi vọng qua chia sẻ của mình các bạn sẽ có những hình dung rõ hơn về quy trình du học đại học tại Phần Lan, cũng như tìm cho mình những định hướng thích hợp trong chọn quốc gia và trường du học.

(Bài viết được chia sẻ bởi bạn Tracy Nguyen - Alumni của Ella Study)