Nằm trong loạt bài tư vấn quản lý tài chính cá nhân của Ella Study, kỳ này chúng ta sẽ bàn tới chuyện làm sao để tiết kiệm khi đi du học Châu Âu nhé các bạn!

(Skip this shit if you're a rich kid.) Xưa rồi cái khái niệm nhà giàu mới đi du học. Giờ thế giới mở cửa, con đường "vượt biên" mềm mại dễ chịu hơn nhiều. Số lượng lớn nhất ở du học sinh dần chuyển từ tầng lớp có điều kiện sang tầng lớp thường thường bậc trung, nhà có chút lúa thôi chứ vẫn phải cân nhắc không được vung tay quá trán. Có cả những trường hợp "bố mẹ không nuôi nữa", hay "nghèo vẫn phải cho cu Tèo đi học" – phụ huynh làm bao nhiêu đầu tư hết cho con. Chi tiêu thế nào để giảm bớt áp lực tài chính cho cha mẹ và chính bản thân?

1. Chọn trường du học – nhìn học phí

Một trong những lý do mà ngày trước tôi chọn du học châu Âu chính là vì ở đây có rất nhiều trường không thu học phí. Chính sách quốc gia luôn. Nhất là ở Đức, Hà Lan và khu vực Bắc Âu. Có thu thì cũng chỉ nhẹ nhàng tình cảm, ở mức hoàn toàn có thể chấp nhận được, nếu so với đi du học Mỹ hay đi Úc. Đỡ được học phí là đỡ được nỗi lo lớn nhất rồi.

2. Tự túc là hạnh phúc

Đầu tiên là tự nấu ăn. Vâng, không riêng gì châu Âu mà du học sinh ở đâu cũng làm thế hết. Trừ phi bạn có tiền đi ăn ngoài 24/7 với tình trạng thức ăn nhanh không bổ béo gì và ăn nhà hàng thì đắt cắt cổ, bạn phải lăn vào bếp thôi. Vừa ngon rẻ, vừa sạch sẽ, lại đúng ý mình và tiết kiệm. Thêm khả năng nấu nướng lên tay và thắt chặt tình bè bạn (trong những dịp tụ tập rất thường xuyên nơi đất khách quê người). Tiếp theo là tự làm việc nhà và tự sửa đồ trong nhà. Từ việc vệ sinh lò nướng đến lắp bóng đèn hay sửa tay nắm cửa. Những việc cơ bản trong nhà này không chỉ các bạn nam mà các bạn nữ cũng nên học làm, vừa tiết kiệm lại biết thêm kỹ năng, phòng khi ở một mình không ai giúp.

3. Share nhà/phòng

Tiền nhà cũng là thứ rất đáng quan tâm khi du học. Nó thường là khoản chi lớn thứ 2 thứ 3 trong tháng của bạn. Nếu bạn có thể ở ghép, và tìm được người chịu share nhà/phòng với mình là cũng bớt được một khoản kha khá rồi. Có người ở cùng cũng giúp bạn học cách sống trong môi trường tập thể, cũng như được chia sẻ những việc trong nhà khi cần giúp đỡ.

4. Mua đồ một cách thông minh

Tùy thói quen sống của mỗi người, thích cầu kỳ bày vẽ hay giản tiện mà ảnh hưởng đến cách mua sắm. Tôi thì theo trường phái đồ đa dụng, tức là mua đồ phải dùng được, và dùng được nhiều mục đích càng tốt. Ví dụ nồi cơm điện ngoài nấu cơm còn có thể đồ xôi, nướng bánh, ủ sữa chua hay thậm chí làm…. nồi lẩu. Hay ngay cả trong việc mua quần áo thôi, trước khi mua một món đồ hãy nghĩ cái này có phối được với nhiều thứ trong tủ đồ không hay chỉ mặc một lần rồi để đấy. Cũng có thể kể đến những đồ gia dụng tháo lắp dễ dàng theo nhiều hình dạng của IKEA (tôi chết mê đồ IKEA), khá rẻ hợp với túi tiền sinh viên và dễ sử dụng. Mua ít đồ thì lúc chuyển nhà cũng đỡ vất vả hơn. Để có được giá rẻ nhất thì các second-hand shops cũng là lựa chọn không tồi. Hãy yên tâm, ở đây đồ còn tốt người ta mới đem ra bán. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy các give-away trên mạng, nên hãy cân nhắc trước khi quẹt thẻ.

5. Mua đồ từ ở nhà

Có một sự thật đau buồn là hầu hết đồ ở Việt Nam rẻ hơn đồ nơi bạn đang sống. Ví dụ đơn giản như thèm đồ Việt mà ra chợ châu Á nhìn giá tính ra cũng gấp mấy lần ở nhà. Nên các anh chị đi học lâu lâu vẫn khuyên là mới sang thì để cân (hành lý) mà mang đồ khô đồ ăn vặt thật nhiều vào, còn nồi niêu xoong chảo thì sang đây mua sau cũng được. Muối vừng, ruốc, mỳ tôm cũng là vị cứu tinh những khi đói kém hay lười nấu. Thuốc men cũng nên mua từ ở nhà hơn, vì sang đây đắt gấp nhiều lần và có khi còn cần đơn của bác sĩ (viện phí không hề khiêm tốn chút nào). Quần áo ở Việt Nam cũng rẻ và vừa người hơn (với dáng petite của châu Á thỉnh thoảng bạn sẽ thấy như bơi trong quần áo ở đây).

6. Tận dụng những ưu đãi cho sinh viên

Trước tiên là trong chính các trường, từ canteen đến thư viện đều có ưu tiên cho sinh viên. Tiếp theo là các phương tiện giao thông công cộng, hầu như thành phố nào cũng có mức giá cho sinh viên bằng một nửa giá vé bình thường. Các cửa hàng, các trang mua bán online thỉnh thoảng cũng giảm giá cho sinh viên, bạn nhớ hỏi nhé. Đặc biệt, có rất nhiều bảo tàng hay điểm tham quan giảm giá cho sinh viên, ví dụ bảo tàng Louvre ở Pháp miễn phí cho sinh viên tại châu Âu và dưới 25 tuổi. Vậy nên hãy nhớ mang thẻ sinh viên theo mỗi khi đi du lịch nhé.