Đã bao giờ bạn thức dậy vào một buổi sáng đẹp trời và nghĩ: “Mình muốn đi du học!” hay chưa? Nhưng khoan, trước khi quyết định đi du học và bắt đầu một trận chiến đầy cam go với những hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ, thư giới thiệu…, hãy dành 30’ để suy nghĩ về những vấn đề dưới đây. Chúng sẽ giúp bạn tìm hiểu những bước bạn cần chuẩn bị khi manh nha ý định đi du học.

  1. Tìm hiểu thế mạnh và năng lực bản thân

Hiểu rõ khả năng và thế mạnh của bản thân là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất trước khi bạn có ý định đi du học. Lý do đầu tiên là khi hiểu rõ năng lực cũng như ưu điểm, nhược điểm của bản thân bạn sẽ xác định được liệu mình có phù hợp với việc đi du học hay không và nếu đi du học mình sẽ chọn ngành gì. Không ít học sinh Việt Nam hiện nay muốn đi du học chỉ vì theo xu hướng thời đại và sự sắp xếp của bố mẹ mà không thực sự hiểu rõ sở trường của mình là gì và mình muốn gì?

Hiểu rõ điểm mạnh bản thân và biết mình muốn gì là bước chuẩn bị đầu tiên khi bạn muốn đi du học

Dễ nhận thấy một điều là đa phần du học sinh ở Việt Nam lựa chọn chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán với suy nghĩ những ngành này tương lai sẽ “hái ra tiền” trong khi những ngành khác cũng cần thiết không kém cho sự phát triển của xã hội như Nông nghiệp, Xây dựng, Kỹ thuật hay Nghệ thuật thì số lượng du học sinh không đáng kể. Tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng có khả năng học tốt các môn Kinh tế, điều này dẫn đến hệ quả nhiều bạn không thể theo kịp bài trên lớp, đi học lơ mơ, có những trường hợp không ra được trường hay phải xin nghỉ học về nước. Điều này không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà quan trọng gây cản trở trên con đường thành công hay những kế hoạch tương lai của bạn.

Du học theo xu hướng hay chỉ vì mong muốn của gia đình có thể khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, bế tắc vì học ngành không đúng sở trường

Chính vì vậy trước khi quyết định có nên đi du học hay không, bạn là người cần phải hiểu rõ chính mình nhất, biết mình mạnh ở điểm gì và biết mình thích gì? Các bạn có thể đặt ra những câu hỏi cho bản thân như:

  • Mình thích làm công việc gì? Thích tham gia những hoạt động gì?
  • Thế mạnh của bản thân mình là gì? Mình có khả năng làm việc gì tốt nhất?
  • Những tính cách, khả năng gì sẽ giúp mình phát huy trong chuyên ngành ấy?

Nếu bạn là một người năng động, sáng tạo, giỏi giao tiếp và yêu thích kinh doanh, bạn nên chọn những ngành nghề như: kinh doanh, marketing, PR,… Nếu đam mê của bạn là: hội họa, thiết kế, bạn có thể chọn những ngành như kiến trúc, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất,… Thậm chí, nếu bạn yêu thích công việc bếp núc, nấu ăn, bạn hoàn toàn có thể tham gia các khóa học làm bánh, đầu bếp hay nghiên cứu thực phẩm,… Các trường trên thế giới có vô số ngành nghề để các bạn chọn. Hãy nhớ rằng, lựa chọn chuyên ngành phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình, sẽ giúp bạn học tập một cách say mê, hiệu quả và đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều.

  1. Định hướng nghề nghiệp:

Có mục tiêu phát triển nghề nghiệp cho riêng mình là một trong những yếu tố quan trọng tiếp theo để quyết định bạn có nên đi du học hay không. Những mục tiêu này cần phải dựa trên đam mê, mong muốn của người học cũng như gắn liền với khả năng thực tế. Liệu tấm bằng du học có giúp bạn thực hiện ước mơ và đạt được vị trí mong muốn trong tương lai. Để xác định được mục tiêu nghề nghiệp, các bạn bạn nên trả lời những câu hỏi tiêu biểu sau:

  • Mình yêu thích và ước mơ trở thành người như thế nào? Làm việc trong lĩnh vực nào?
  • Mình muốn làm công việc văn phòng, muốn tự làm chủ hay muốn có một cái nghề thực thụ?
  • Ngành nghề đó có phải là ngành nghề mà xã hội cần hay không?
  • Chuyên ngành đó có cơ hội mang lại một công việc có thu nhập tốt trong tương lai hay không?
  • Cơ hội tìm việc, khả năng thành đạt sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đó như thế nào?

Chuẩn bị trước khi đi du học bao gồm việc định hướng nghề nghiệp, điều này giúp bạn có một mục tiêu cụ thể trong tương lai để theo đuổi

Nếu bạn muốn tương lai quản lý việc kinh doanh của gia đình, rõ ràng bạn nên chọn những chuyên ngành liên quan tới quản trị kinh doanh, quản lý tài chính,… Nếu bạn muốn mở một nhà hàng cho riêng mình, bạn có thể chọn chuyên ngành liên quan tới quản trị nhà hàng khách sạn,… Hay bạn muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như ngân hàng, bạn có thể học tài chính, đầu tư,…. Và nên nhớ rằng, dù là ngành nghề nào đi nữa, đó cũng sẽ là công việc gắn với tương lai của bạn – nên hãy chọn ngành mà mình thật sự đam mê, thật sự yêu thích, là mục tiêu để mình hướng tới. Đừng chọn ngành nghề chỉ vì ý kiến của ai đó, xu hướng của cộng đồng hay một ham muốn nhất thời; bởi làm một công việc mà mình không thích, sớm hay muộn bạn cũng sẽ không có động lực làm việc và tự giới hạn khả năng thăng tiến của mình.

  1. Xem xét khả năng tài chính

Một yếu tố vô cùng cần thiết cho những ai có ý định đi du học chính là điều kiện kinh tế của gia đình. Nếu khả năng tài chính của gia đình bạn thật sự vững chắc bạn có thể không quá lo lắng về vấn đề học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn không thật sự có điều kiện, bạn cần phải xây dựng một kế hoạch chi tiêu thật cụ thể nếu bạn quyết tâm muốn đi du học. Bạn có thể tiết kiệm chi phí cho gia đình bằng nhiều cách như đạt học bổng, tìm kiếm việc làm thêm, vừa học vừa làm.

Việc xem xét khả năng tài chính của gia đình một cách kỹ lưỡng là bước chuẩn bị cần thiết trước khi quyết định đi du học

Hiện nay, nhiều gia đình Việt Nam vì muốn cho con đi du học bằng bạn bằng bè mà vay mượn khắp nơi, nhưng đôi khi khoản đầu tư này là không hiệu quả vì các bạn dễ ỷ lại vào bố mẹ và không biết cố gắng. Nếu thật sự đã đủ lớn và biết suy nghĩ, bạn hãy cân nhắc vấn đề tài chính của gia đình một cách thật kỹ lưỡng, hãy thẳng thắn trò chuyện với bố mẹ để có thể chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch du học.

  1. Chuẩn bị tâm lý

Việc chuẩn bị tâm lý nghe có vẻ nhẹ nhàng và dễ dàng vì so với việc định hướng tương lai hay lập kế hoạch tài chính bạn phải đặt những câu hỏi và tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị tâm lý dường như là chẳng có gì cần làm cả! Nói như vậy không có nghĩa việc chuẩn bị tâm lý khi xa gia đình đi du học sẽ bị coi nhẹ. Nhiều bạn trẻ hiện nay khi kết quả học tập hay các mối quan hệ xã hội ở Việt Nam không được tốt thì có mong muốn đi du học để trốn tránh thực tại và mong muốn mở ra tương lai tốt đẹp hơn ở một đất nước mới. Tuy nhiên hãy cân nhắc thật kỹ vì ở nơi xứ người, cũng có rất nhiều những vấn đề to tát bạn cần phải đối mặt:

  • Bất đồng ngôn ngữ
  • Bất đồng văn hóa, tập tục
  • Tâm lý thua kém người bản xứ (kinh tế, văn hóa, thể lực..)
  • Cô đơn, lạc lõng, không nơi nương tựa hay tâm sự
  • Khí hậu lạnh giá khắc nghiệt.

Một trong những bước cần chuẩn bị trước khi quyết định đi du học chính là tâm lý vững vàng

Tất cả các yếu tố trên tác động lên tinh thần và ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của bạn. Vì vậy, nếu xác định đi du học bạn cần phải chuẩn bị một tâm thế thật vững vàng để đối mặt với tất cả những khó khăn này. Nếu bạn thuộc tuýp người tình cảm, không thể sống xa gia đình bạn bè, không thể đối diện với những đả kích và tiếp thu sự khác biệt về văn hoá, đơn giản du học không phù hợp với bạn, bạn có thể chọn lựa con đường học trong nước. Tất nhiên dù có là những người mạnh mẽ nhất, ai trong số chúng ta cũng không thể tránh khỏi những giây phút cảm thấy cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Có người mệt mỏi buông xuôi, nhưng cũng có người kiên trì cố gắng và đã thành công. Chính vì thế, trước khi quyết định đi du học, hãy chắc rằng bạn có một tâm lý thật vững vàng.

  1. Hoàn thiện các kỹ năng sống:

Nói cách khác, đây chính là những kỹ năng sinh tồn giúp bạn “sống sót” qua các kỳ học nơi xứ người khi bạn phải tự làm tất cả mọi việc. Hiện nay rất nhiều bạn trẻ Việt Nam được bố mẹ chăm bẵm kỹ lưỡng, các bạn chỉ biết học ngoài ra các công việc nội trợ, mua bán, kỹ năng giáo tiếp hầu như không có. Điều này dường như trái ngược với văn hoá Tây phương khi trẻ em tự lập từ rất sớm. Khi đủ 18 tuổi, các bạn muốn có tiền để mua điện thoại, máy vi tính hay xe máy, đi du lịch và bất cứ thứ gì họ muốn thì họ tự đi tìm việc làm, từ từ làm và dành dụm. Ở Úc, họ coi việc xòe tay xin tiền cha mẹ là một sự xấu hổ và không bao giờ làm thế khi đã tự nhận thức được.

Chuẩn bị các kỹ năng tự lập là điều rất cần thiết trước khi có ý định đi du học

Chính vì vậy, nhiều du học sinh Việt Nam khi được chăm bẵm trong “lồng kính”quá lâu, khi tiếp xúc vào một môi trường mới, các bạn không khỏi tránh được những cú sốc hay sự hụt hẫng. Nếu bạn còn thiếu những kỹ năng sống, hay những kỹ năng để “sống sót” bạn cần tích luỹ càng sớm càng tốt, bằng việc bạn có thể tham gia các khoá nấu ăn, học cách thuyết trình, giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm hiệu quả. Thậm chí nếu có nhiều thời gian, bạn nên học thêm kỹ năng lập trình máy tính, sửa xe đạp hay cắt tóc vì chi phí cho những việc này ở nước ngoài là không hề rẻ. Ngoài việc tham gia các khoá học, bạn có thể tự học hỏi hằng ngày từ bố mẹ, bạn bè và tự đúc rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Kể cả không đi du học thì những kỹ năng này vẫn vô cùng cần thiết cho cuộc sống tự lập của các bạn.