Tiếp nối bài viết về những điều cần lưu ý trước khi du học, thể theo “đề nghị” của một số độc giả đặc biệt, tôi xin viết tiếp bài ngắn về một số nhân tố giúp xây dựng định hướng dài hạn như dưới đây. Khi bạn đã xây dựng được mục tiêu dài hạn cho mình, bạn sẽ tìm mọi cách để du học và lập nghiệp thành công.

1. Mất bao nhiêu lâu để xây dựng định hướng dài hạn cho bản thân mình?
Không ít người thành công với sự nghiệp của mình ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng bạn hãy để ý mà xem, phần lớn những người khởi nghiệp thành công và không ngừng tăng trưởng bền vững đều khởi nghiệp mô hình của họ ở độ tuổi 27-28 trở lên.

Kể cả những kỳ nhân cũng đã từng chia sẻ về một nguyên tắc bất thành văn: Nguyên tắc 10,000 giờ. Tức là, nếu bạn không thực sự dành thời gian 10,000 giờ cho một việc bạn muốn làm, tỷ lệ thành công của bạn rất thấp.

Xây dựng định hướng dài hạn lại càng khó. Thời gian là một sự đầu tư lớn. Bạn đặt cược vào thời gian, song hành cùng với nó, khi bạn nhận ra điều bạn tưởng mình thích nhưng cuối cùng lại không phải đam mê gắn với bạn suốt đời, bạn đã lãng phí sự đầu tư lớn ấy trong một thời gian dài.

Vậy, trước khi xác định tìm được định hướng dài hạn cho mình, bạn cần xác định rõ thời gian đầu tư và sự hy sinh lớn cho “thương vụ đầu tư” ấy.

2. Trải nghiệm là nhân tố đầu tiên giúp bạn có định hướng.
Lúc bé, rất nhiều bạn trẻ có 1 giấc mơ, sau này sẽ trở thành chú phi công. Vì các bạn được nhìn thấy hình ảnh đẹp đẽ của người phi công, đi đến đâu mọi người cũng nhìn, tự do tự tại trên bầu trời cao, mang trong mình những trách nhiệm nặng nề và lớn lao. Những bạn nào sống trong gia đình phi công thì lại càng có những trải nghiệm nhiều hơn nữa, ngắm nhìn những hình ảnh trong và ngoài buồng lái, chiếc máy bay mô hình, được nghe kể những câu chuyện thu hút bất tận về cuộc sống đằng sau người phi công.

Lớn lên một chút, khi bạn đã có trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, bạn cảm thấy nghề phi công không dễ để có thể vào được. Sự kết hợp của điều kiện gia đình, sức khỏe, khả năng, lý trí, đam mê là những điều ngăn cản bạn. Bạn thấy sau này mình muốn có một cuộc sống khá giả, nên quyết định theo nghề kinh doanh.

Tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh, đi làm ở công ty này nọ kia, va vấp đủ kiểu, bạn lại thấy mình không hợp kinh doanh cho lắm. Có người chuyển sang hoạt động xã hội, có người vẫn tiếp tục công việc làm thuê nhưng ở những vị trí ít áp lực hơn. Và hưởng thụ một cuộc sống an nhàn.

Nhưng có những người, tìm thấy chính bản thân mình trong mỗi hoạt động kinh doanh. Họ thích vươn đến các vị trí chuyên gia, quản lý, điều hành. Rồi xa hơn nữa, họ muốn có những mô hình của riêng họ, vùng vẫy bốn bể.

Bạn thấy đấy, hầu hết những người thành đạt, đều trải qua đủ các công việc. Điều người khác có, bạn không có chính là TRẢI NGHIỆM. Có những trải nghiệm ấy, bạn mới hiểu sâu được những công việc mình và người khác đang làm, họ làm gì, mình muốn làm gì. Bạn có tuổi trẻ, thời gian, vậy hãy xông pha vào những việc mà mình chỉ cần thấy “À, việc này cũng hay đấy.” Đừng đợi ai, cứ làm thử, làm thật sâu, đi hỏi người nọ người kia, thấy thiếu kỹ năng gì đi đọc, học về kỹ năng ấy. Rồi bạn sẽ tự tìm ra được hướng đi của mình: mình thích việc A+B+C, làm cả 3 rồi thấy việc A+B là mình có đủ khả năng làm được. Rồi sau vài năm thấy mình vẫn theo đuổi được việc A -> đây chính là thứ bạn cần.

Cách đây 2 năm, tôi đã từng ứng tuyển vào 20 chương trình du học, hoàn toàn trái với ngành học của mình bậc Đại học. Tôi nhận được 5 thư mời, trong đó có 3 học bổng về học phí. Họ chọn tôi dù tôi học trái ngành bởi vì, tôi toàn tâm toàn ý cho bộ hồ sơ của mình. Từ hồi vào đại học, tôi đã trải qua gần 100 cuộc thi lớn nhỏ, các cuộc thi tuyển, ứng tuyển, đồng thời cũng đi chấm CV, nên tôi hiểu rõ cần phải xây dựng bộ hồ sơ CV như thế nào cho súc tích và gây ấn tượng.

Nếu cứ chỉ ngồi đọc, ngồi nghe và phán xét, thì sẽ giống như chú ếch ngồi dưới giếng chỉ thấy 1 bầu trời qua miệng giếng mà thôi. Dù có 1 người hướng dẫn thành đạt, cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ thành đạt.

3. BẢN LĨNH giúp bạn bám theo con đường mình đã chọn đến cùng
Bạn biết không, từ khi chưa hình thành, chúng ta đã phải cạnh tranh nhau để có 1 cuộc sống. Trong số hàng triệu “chiến binh”, bạn là người duy nhất về đích. Vậy thì còn khó khăn nào mình không thể vượt qua?

Khi bạn muốn đi du học, người này người kia khuyên: thôi đừng, học làm gì cho phí tiền phí của, thời gian ấy ở nhà phát triển sự nghiệp còn hơn. Họ khuyên đúng. Nhưng ở trong hoàn cảnh bạn, bạn cũng cần đặt lại câu hỏi cho mình: mình đi học để làm gì? 2 năm nữa học xong thì sao? Trong thời gian học làm gì để phát triển? Tốt nhất là tìm được học bổng, nhưng không có học bổng thì có phương án nào khác? Có cách nào học mà mất ít chi phí nhất có thể không? Để được như thế thì giờ phải bắt đầu đắp cho hồ sơ mình thật đẹp như thế nào?

Tôi làm việc trong ngành giáo dục, đã biết sau này sự nghiệp của mình sẽ gắn với giáo dục và công nghệ, nên cần phải đi học để trải nghiệm 1 cuộc sống của du học sinh, để sau này xây dựng một mô hình mà mình gắn bó. Tôi có một khoản kinh phí giới hạn, nên phải tìm cách học ở đâu tốt với 1 khoản giới hạn ấy. Tôi cần đi trong năm nay, để đến khi về là sẽ làm được những việc A, B, C. Trong thời gian học, tôi phải đi trải nghiệm những nơi X, Y, Z, tham gia các hoạt động,… để đạt được mục tiêu ấy. Quan trọng nhất, tôi muốn thay đổi chính bản thân, khám phá ra những điều khác về con người mình khi cuộc sống chỉ có 1 mình. Nếu bạn đã có những góc nhìn đi sâu ấy về mình thì, còn phải lo việc gì đúng không.

Rồi khi bạn xây dựng sự nghiệp, có vô vàn những sự kiện chỉ để dìm bạn xuống. Chúng tôi cũng đã có 5 lần khởi nghiệp, kết quả đều bết bát. Lần thứ 6 này, có còn gì để mất nữa mà lo? Trải qua bao sóng gió, thăng trầm, có lúc giá trị doanh nghiệp tăng 7 lần chỉ sau 10 tháng, nhưng lại gặp ngay vấn đề quản trị chất lượng, quản trị tài chính. Lúc nào bạn cũng chuẩn bị cho mình tâm thế của phương án xấu nhất, thì còn việc gì bạn phải lo?

Đối thủ lớn nhất của bạn là chính mình. Cay lòng nhất là những lúc mình nhìn quanh bạn bè, những người tầm tuổi mình bây giờ ra sao, mà mình vẫn đang phải chèo lái như thế này. Không phải tác động từ bên ngoài, tâm lý mới là thứ rủi ro lớn nhất quật ngã bạn.

Rất nhiều bạn hỏi tôi, làm thế nào để có và duy trì mục tiêu dài hạn? Khi nói chuyện một lúc, mình bảo việc đấy là việc bạn thích còn gì. Song bạn ấy bảo, nhưng bố mẹ mình, bạn bè mình,….

Thật ra chẳng phải các bạn không có đâu. Làm gì có ai không biết mình thích gì. Nhưng vấn đề là bạn có chấp nhận hy sinh để đi theo nó một cách lâu dài hay không thôi.

Có một sự thật thế này, bạn hãy để ý, hầu hết những doanh nhân khởi sự thành đạt đều nói: “Ngoài gia đình, tôi yêu X (doanh nghiệp của họ) hơn tất cả mọi thứ trên đời”. Bạn có dám nói thế chứ?

4. CÁI TÂM giúp bạn tiến xa
Tâm ở đây là tâm hồn, sự yêu thích trong mọi việc. Khi đã yêu công việc của mình, bạn sẽ suy nghĩ về nó suốt ngày, trăn trở, tìm mọi cách để nó tốt hơn.

Tâm còn là sự tử tế đối với những người gắn với công việc bạn làm. Từ khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, đối tác, hãy cư xử tử tế, để họ trở thành những người đồng hành cùng mình.
Về vấn đề này tôi xin phép không bàn đến sâu vì tôi đã có những nội dung bàn về vấn đề này trước đó rồi.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không mong rằng có thể giúp bạn tìm thấy ngay định hướng và mục tiêu cho mình. Nhưng hãy quay ngược trở lại đọc và thực hiện điều 2. Hãy trải nghiệm, càng sớm càng tốt. 1 năm, 2 năm bươn chải để trải nghiệm còn hơn là cố gắng ép mình theo 1 hướng đi, 5, 6 năm sau nhận ra không phải mục tiêu lâu dài thì đã muộn.

Rồi sau đó, dù gặp bất cứ khó khăn nào, hãy cố bản lĩnh, vững tâm đi theo con đường mình đã chọn nhé.