Bạn có thể đọc được rất nhiều thông tin hàng ngày về những câu chuyện thành công của các cựu du học sinh, những cậu bạn / cô bạn giành gần chục học bổng hàng tỷ đồng từ các trường Đại học danh giá ở Mỹ.

Nhưng một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có góc nhìn thực tế hơn:

  • Theo một nguồn thống kê không chính thức, mỗi năm người Việt chi từ 3-4 tỷ USD cho du học
  • Mỗi năm Việt Nam có gần 100,000 du học sinh mới. Số lượng du học sinh Việt tại nước ngoài (tại mỗi thời điểm - concurrent) là hơn 165,000. Hơn 90% du học theo diện tự túc.

(Cả 2 thông tin trên mình không phải ghi nguồn nhé, bạn có thể search trên mạng thấy rất nhiều)

Như vậy, tính bình quân đơn giản, chi phí cho mỗi bạn đi du học 1 năm khoảng gần 40,000 USD!

Du học là một sự đầu tư lớn. Để hướng nghiệp hiệu quả, chọn đúng ngành, đúng trường cho gần 100,000 bạn mỗi năm không phải điều đơn giản. Người hướng nghiệp không chỉ đào tạo ngày 1, ngày 2, tập huấn chung chung, còn phải theo sát từng học viên trên cả hành trình để hỗ trợ hiệu quả.

Du học không chỉ đơn giản nhận được thư mời học, xin được visa, đặt chân ra nước ngoài là xong. Có chạy $$$ cho con vào trường xịn, không theo học được thì cũng ... xịt. Không hướng ngay từ đầu, chỉ đi du học cho có, hoặc học ngành nào cũng được: các em không hứng thú, bỏ bê học hành, hoặc trầm cảm vì chạy theo lớp, không theo kịp các bạn học ở nước ngoài. Nhiều gia đình "vỡ mộng" vì sang thăm con mới biết, con đã trượt gần chục môn, tinh thần lao đao. Muôn vàn bể khổ, nếu các bạn chưa chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước khi sang nước ngoài thì tỷ lệ rơi vào những hoàn cảnh khó khăn là khó có thể tránh khỏi.

Xem thêm bài viết "5 sai lầm trong hướng nghiệp và định hướng du học cho mình [con mình]"

Với tốc độ tăng trường 20%+ mỗi năm, khi khả năng hướng nghiệp cho học viên không theo kịp tốc độ phát triển này, thì càng ngày số lượng các gia đình "lãng phí nguồn vốn đầu tư" cho con / em du học ngày càng nhiều.

"Scholarships Game"

Điều đầu tiên bạn nghĩ trong đầu là cần xin học bổng, có học bồng thì mới đi du học được.

Hàng năm chỉ có dưới 10% các bạn nhận được học bổng (chắc là bao gồm cả học bổng toàn phần và bán phần, chứ 1 năm gần 10,000 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần thì cao quá..)

Đối với các nước phát triển, không hề có câu chuyện cho không (No free meal). Nguồn tài trợ học tập của bạn có thể đến từ nhiều nguồn: từ học bổng chính phủ, học bổng của trường, của tổ chức khác, của cơ quan nhà nước (tại VN) mình đang công tác.

Bạn để ý kỹ sẽ thấy, những người cấp học bổng cho bạn đều có 1 yêu cầu ràng buộc, kiểu như: cam kết thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp, cam kết làm việc trong quá trình học, cam kết đóng góp cho cộng đồng / quảng bá về trường,...

Họ không cho bạn tiền, mà họ sàng lọc tìm ra những người phù hợp nhất. Chi phí cấp học bổng cho bạn có thể chính là chi phí tuyển dụng, đào tạo (đối với tổ chức), xây dựng thương hiệu, nâng cao tỷ lệ Alumni tốt nghiệp thành công (đối với trường), chi phí hỗ trợ ngược lại cộng đồng, tài trợ bởi doanh nghiệp / trường (CSR - Corporate Social Responsibility)

Các bạn muốn không ràng buộc, thì đừng chọn những học bổng nào yêu cầu ràng buộc.

Hạn chế ngân sách, nên đi học ở những đâu

Một số quốc gia châu Âu có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên quốc tế (xem thêm bài viết Du học miễn phí hoặc học phí thấp tại châu Âu)

Khi học tại những quốc gia này, bạn có thể tìm thấy rất nhiều trường nằm trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới (top 1% - top 250, top 4% - top 1000). Đức, Na Uy, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Ba Lan đều sở hữu rất nhiều trường đại học danh giá.

Mặc dù được miễn giảm học phí, bạn vẫn phải chuẩn bị sẵn một khoản kinh phí để phục vụ sinh hoạt. Sinh hoạt phí trung bình tại các nước châu Âu khoảng 450 - 800 EUR/tháng (tương đương 12 - 22 triệu đồng, tùy thành phố và mức sinh hoạt của bạn)

Bạn có thêm 1 lựa chọn nữa ngoài việc đi làm thêm để bù vào tiền sinh hoạt, đó là ứng tuyển các học bổng sinh hoạt phí, chẳng hạn như học bổng Heinrich Boll nếu bạn học tại Đức; hoặc vác sách theo chân giáo sư hỗ trợ nghiên cứu / trợ giảng

Lưu ý: cẩn thận với áp lực bằng mọi cách kiếm tiền để có thể sinh sống ở nước ngoài. Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam vướng phải "bẫy thu nhập" này, lao lực đi phục vụ nhà hàng,... để có tiền đi du lịch, sinh sống ở nước ngoài, đến nỗi muộn tốt nghiệp 1 - 3 năm. Đến khi bạn tốt nghiệp và phát triển sự nghiệp, bạn mới thấy đã lãng phí chi phí cơ hội lớn.

Học trái ngành ứng tuyển như thế nào?

Thảo theo học đại học ngành Mathematics programming tại Nga. Trước khi tốt nghiệp nửa năm, Thảo có hỏi tôi v/v nộp hồ sơ để theo học Thạc sỹ ngành Vật lý tại Đức. Mặc dù Vật lý và Toán học khá sát với nhau, nhưng khi rà soát thì các môn học tại đại học của Thảo chỉ đáp ứng dưới 40% yêu cầu của chương trình học.

Các trường ở Đức ngày càng khắt khe trong việc sàng lọc ứng viên dựa theo mức độ khớp về ngành học. Chẳng hạn bạn ứng tuyển Thạc sỹ Kinh tế tại Đức thì ít nhất các môn học bậc Đại học của bạn đáp ứng 50% trùng hợp với các môn học Thạc sỹ (tùy theo yêu cầu của từng trường).

Khi đó tôi hướng dẫn Thảo một mặt tìm các chương trình học có danh mục môn học (curriculum) sát ngành mình học nhất, một mặt bổ sung thêm 1 số minh chứng môn học (học trên cả coursera, edx, ucademy). Thảo còn làm tốt hơn thế, nhờ thày Vật lý của mình kèm thêm 2 tháng và viết LOR (Letter of Recommendation).

Kết quả là, Thảo nhận được thư mời học của Tr. ĐH Tubingen (Top 10 Đức, Top 89 thế giới theo xếp hạng THE)

Nếu tôi là bộ phận tuyển sinh, biết về Thảo như thế, chắc chắn tôi cũng sẽ tuyển Thảo rồi.

Có nên học Thạc sỹ ngay sau khi tốt nghiệp đại học?

Các chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) đều yêu cầu ứng viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc.

Sau hơn 100 học viên, chúng tôi nhận ra và thường xuyên tư vấn với học viên rằng, không chỉ quản trị kinh doanh, đối với tất cả các ngành khác, các bạn cũng nên dành thời gian trải nghiệm trước khi học lên cao.

Thời gian trải nghiệm có thể thông qua việc làm thực tế của các bạn, hoặc việc làm thực tập ngay khi các bạn đang học trong trường đại học. Kinh nghiệm thực chiến giúp bạn nhìn nhận rõ về bản thân, về ngành nghề trước khi bạn quyết định theo học lên cao.

Xem thêm bài viết Học viên sử dụng hệ thống Ella Study như thế nào

Một yêu cầu gần như bắt buộc trong quy trình đồng hành của Ella, các bạn học viên cần tự nghiên cứu về ngành nghề, tiềm năng phát triển của ngành và tự tìm ra những từ khóa mình thấy hứng thú. Tiếp tục đào sâu, tận dụng mạng lưới có sẵn, Tư vấn viên Alumni sẽ giới thiệu cơ hội thực tập hoặc trải nghiệm phù hợp để bạn tìm hiểu về công việc, về chính mình.

Hướng nghiệp, định hướng du học, tìm ra điểm mạnh, xây dựng kế hoạch bản thân chưa bao giờ dễ. Bạn sẽ luôn cần người đồng hành, huấn luyện viên, tư vấn viên cá nhân theo sát hành trình của mình. Và đó là lý do Ella luôn nỗ lực để phát triển.