Nghe tên bài cũng giật mình ra phết! Nhưng đấy chính xác là hành trình của mình từ lúc là một đứa sinh viên lơ ngơ chưa rõ học truyền thông thì sau này ra làm cái gì, từ ngôi trường đại học mang tiếng oan là con ông cháu cha, cho đến phiên bản mình của hiện tại xác định rõ bản thân mình muốn và cần gì trong năm năm tới. ‘Think different’ – triết lý mà Steve Jobs theo đuổi cũng là điều mà mình tâm đắc từ khi quyết định đi du học. 

Từ 69 Chùa Láng… 

Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao khoa Truyền thông quốc tế và Văn hóa đối ngoại tháng 5 năm 2017, mình có một công việc ổn định tại Công ty tư vấn truyền thông Le Bros với vị trí Digital Planner, chuyên viên tư vấn chiến lược truyền thông Digital. Nghe cứ ổn ổn quá không với một đứa mới ra trường? Môi trường làm việc sáng tạo, được sếp yêu thương đồng nghiệp yêu mến, khách hàng cũng quái thai nhưng vẫn trả tiền dự án đúng hạn, trà sữa nem chua đều đặn 3-4 giờ chiều được cho ăn.

Ném lại một chút, Le Bros là công ty đầu tiên cũng là duy nhất mình làm việc như một thực tập sinh sau đó là chuyên viên tư vấn, không có nguyện vọng thứ hai. Đó là nơi mình ứng dụng phần lớn những điều được học ở Ngoại giao, hiểu tầm quan trọng của việc phân bổ thời gian như thế nào trong cái thế giới đảo điên deadline ngập đầu, phân biệt được tám trăm loại mô hình truyền thông, SWOT, 4P, 4C, mô hình this, mô hình that rồi thì hiểu được khi nào thì dùng cái nào và mục đích của chúng nó. Và quan trọng nhất hiểu được điều căn bản để tồn tại được ở cái giới truyền thông marketing này là HỌC và HỎI.

Điều mình tin tưởng khi ấy là ở nhà còn đầy thứ để học, cần quái gì đi ra cái nước ngoài nào học làm gì? Kinh nghiệm mới là trên hết chứ học hành ở Tây thì có áp dụng được cho môi trường Việt Nam không?

Thế rồi đùng một cái, Tết 2018 mình quyết định đi du học trong sự giật mình cũng hơi mạnh đến từ vị trí của bố mẹ và 500 anh em bạn bè đồng nghiệp. Sự giật mình còn mạnh hơn chút nữa khi biết điểm đến của mình không phải là một quốc gia nói tiếng Anh mà lại là Pháp với vốn tiếng Pháp của mình khi ấy cũng đủ để nói hai từ “Bông dua”. Thế rồi tháng 9, 2018, mình kéo hai cái vali đựng đầy lương thực của mẹ về tới căn hộ nhỏ phía Nam Paris để bắt đầu hành trình du học bằng tiếng Anh ở nước nói tiếng Pháp. Think different mà! 

 

… đến ISCOM Paris… 

Quyết định đi học của mình đến ngay sau khi mình được cô bạn đang học tại Pháp giới thiệu cho chương trình truyền thông cho sinh viên quốc tế tại hệ thống trường tư thục ISCOM chuyên đào tạo ngành truyền thông và marketing (nguyên văn tên chương trình: International Global Communications). Trường có 7 campus trên toàn nước Pháp và mình chọn ISCOM Paris. Mặc dù mình biết chi phí sinh hoạt sẽ đắt hơn so với những campus khác nhưng cơ hội mà Paris mang đến cho sinh viên quốc tế chắc chắn sẽ nhiều hơn. Và bản thân mình cũng thích Paris nữa – kinh đô Ánh sáng rồi thì thành phố của tình yêu các thứ các thứ nghe cũng hấp dẫn mà.

14,000 euro là số tiền mình được bố mẹ hỗ trợ chuẩn bị để hoàn thành mục tiêu đi du học chia đều cho tiền học phí 7,000 euro và sinh hoạt 7,000 euro trong 1 năm. Đây là lý do vì sao mình chọn Pháp thay vì Mỹ hay Anh, Úc. Lý do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất: học phí chấp nhận được vì gia đình mình không khá giả đến mức có thể hỗ trợ mình đi học ở những quốc gia kia. Lý do thứ hai: chương trình học quá tập trung, không hề nặng về lý thuyết – cũng là điều mình tìm kiếm cho khóa học thạc sĩ của bản thân. Sau 4 năm đại học và 3 năm đi làm, mình nghĩ đây là lúc mình cần được hệ thống lại kiến thức bằng cách thực hành nhiều hơn.

Tất nhiên trước khi chọn ISCOM mình cũng dành 3 tuần tập trung nghiên cứu các chương trình khác quanh châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng không có chương trình nào khiến mình thích bằng của ISCOM – một trường tư thục, không đứng top ở bất cứ cái bảng xếp hạng danh giá nào nhưng đáp ứng được những điều mà mình cần: chương trình học đề cao thực hành, học phí thở được, cơ sở vật chất cực xịn, nằm ngay trung tâm Paris đi lại cực tiện (tiện cho cả việc lang thang đi chơi sau giờ học nữa). Và mình apply một nguyện vọng du học duy nhất – ISCOM Paris. Một điều mình thích nữa, hầu hết các chương trình học Master tại Pháp đều tạo điều kiện để sinh viên đi thực tập từ 3 đến 6 tháng, học đi đôi với hành mà!

Trong chương trình của mình, điều mình thích nhất là mỗi tháng sẽ có một cuộc pitching (nôm na là là cuộc đấu thầu dự án) dựa trên một khách hàng thật để xây dựng chiến lược và trình bày ý tưởng cho họ. Ý tưởng thắng thầu sẽ được khách hàng sử dụng kết hợp với chiến lược sẵn có của họ. Disneyland là một trong những khách hàng mà lớp mình được làm việc cùng!

3 điều mình rút ra qua môn học yêu thích này của mình: một, làm việc nhóm ở môi trường quốc tế cực vui, 9 người 10 ý không khác gì quê mình; hai, biết bảo vệ quan điểm đúng lúc, biết lắng nghe đúng chỗ, không có ý kiến nào là dở hơi trong lúc làm việc nhóm; ba, các bạn Pháp không thích thức khuya học bài, nên cùng nhau hoàn thành công việc trên lớp là tốt nhất (đi uống riệu dẩy đầm thì đi đến sáng được chứ học bài thì quên đi!). 6 tháng học tập trung kết thúc cũng là thời gian cho 6 tháng tiếp theo để thực tập. Và thế là cái tên The New York Times xuất hiện trong bài viết này. 

 

… đến The New York Times… 

Tìm thực tập ở Pháp cho sinh viên quốc tế khó không? Khó vãi! Thề! Nhưng nếu muốn thì bạn sẽ làm được và bạn phải biết suy nghĩ khác biệt. Think different tí đi! Không thử sao biết có làm được hay không? Cho đến tháng 1 năm 2019, mình vẫn chưa biết mình sẽ thực tập ở đâu vì cơ hội cho sinh viên chỉ nói tiếng Anh tại Pháp là không nhiều.

Thế rồi mình nhìn thấy mẩu tin đăng trên LinkedIn của The New York Times văn phòng Paris tuyển thực tập sinh truyền thông. Mình chẳng do dự gì mà apply ngay, biết vì sao không? Cái CV mà mình dùng để apply đi du học nó có layout trang nhất của tờ báo này. Lý do cực kỳ đơn giản vì nó đẹp một cách khác biệt (mời bạn truy cập nytimes.com và cho mình cảm nhận). Thế rồi, mình nhận được bài kiểm tra đầu vào và giờ mình ở đây, làm thực tập sinh tại phòng Global Ad Innovation của NYT International. Đến giờ, cái CV huyền thoại của mình vẫn được anh em trong công ty lưu truyền nhau vì nó không chỉ là vài cái gạch đầu dòng liệt kê kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, đẹp gái kỹ năng tốt hay gì. Cái nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một cái CV không gì khác chính là sự khác biệt của mình so với hàng ngàn cái CV trông chán đời khác. Think different mà!

Làm việc ở NYT ngầu không? Ngầu lòi! Môi trường cực tốt, bạn bè đồng nghiệp quốc tế từ Anh, Mỹ, Ba Lan, Algeri, etc. hết lòng giúp đỡ vì mình cũng là thực tập sinh người Việt duy nhất trong lịch sử của NYT Paris. Mỗi ngày làm thực tập sinh tại đây mình lại có một điều mới để học: hiểu được hệ thống vận hành một trang tin khổng lồ đứng đầu thế giới về lượng người đọc, hiểu được cách hệ thống quảng cáo của trang tin và các dịch vụ kèm theo, học cách viết một trang giới thiệu sản phẩm mới để đội sales mang đi trình bày với khách hàng, học cách làm một bài thuyết trình 8 trang để những khách hàng không biết quá nhiều ngôn ngữ truyền thông quảng cáo hiểu được sản phẩm và quyết định mua sản phẩm của NYT. Để mình rút ra được một điều cực kỳ tâm đắc: viết khiêm nhường để ai đọc cũng hiểu khó hơn gấp trăm tỉ lần viết theo cách mình hiểu.

Ngoài ra làm thực tập sinh ở NYT còn được nhiều thứ lắm mà muốn kể hết thì cần 10 cuốn tiểu thuyết mới kể hết được. 3 điều từ 6 tháng thực tập tại NYT: một, người Paris không hề lạnh lùng chảnh chọe như truyền thuyết, quan trọng là bạn tiếp cận với họ bằng cách nào; hai, hỏi là hành động đơn giản nhưng là hành động quyết định bạn có sống được tại NYT hay không, không có câu hỏi nào là dở hơi ở NYT; ba, hãy chủ động ăn trưa cùng mọi người vì chắc chắn sau 6 tháng không biết tí tiếng Pháp nào, bạn sẽ đi siêu thị và mua đồ thật tự tin với thứ tiếng Pháp giọng Paris nói như hát hay. 

Đó là con đường từ 69 Chùa Láng cho đến NYT Paris của mình nhờ có châm ngôn sống bất diệt của idol số một làng công nghệ thế giới – Steve Jobs – Think different. 

Vu Phuong Khanh
Vu Phuong Khanh
Thạc sỹ Truyền thông, ĐH ISCOM, Pháp. 5 năm kinh nghiệm Marketing - Truyền thông. Từng làm việc tại LeBros, The New York Times (Pháp)