1. Thực trạng ngành Quản trị chuỗi giá trị cung ứng (SCM) tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển, trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa theo hướng thị trường mở, bên cạnh đó cùng với cuộc cách mạng 4.0 thì việc quản lý chuỗi cung ứng là giải pháp thiết yếu để tăng tính cạnh tranh của năng lực hàng hóa Việt Nam bên cạnh việc nâng cao chất lượng, dịch vụ của sản phẩm. Nổi lên như một nền kinh tế năng động, mở cửa ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần phải nắm bắt được xu hướng mới của nền kinh tế toàn cầu và cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, ngành SCM tại Việt Nam vẫn chưa hẳn được chú trọng, nền kinh tế vẫn chưa hiểu được hết tầm quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Biểu hiện ở chỗ chưa có trường Đại học hay cơ sở giáo dục nào đào tạo đầy đủ và chính quy về SCM; nguồn nhân lực trong ngành này luôn trong tình trạng thiếu; thậm chí trong các công ty vẫn chưa có bộ phận nào chuyên xử lý về mảng SCM; các công ty về SCM cũng còn khá ít. Là một nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, Việt Nam cần cải thiện chuỗi cung ứng và khắc phục những thách thức sau:

Chỉ 25% yêu cầu của Logistics được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp vừa và nhỏ), phần còn lại của thị phần được “thầu” bởi các công ty nước ngoài. Hiện nay có khoảng 3000 doanh nghiệp Logistics  trong đó có khoảng 1300 tham gia tích cực; có khoảng 6000 nhân viên và 1 triệu lao động làm việc trong ngành nhưng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế.

Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể thì rõ ràng các doanh nghiệp nước ngoài đang ở thế trên, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều lợi thế: thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần lớn kho bãi, khiến doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để cung cấp dịch vụ logistics, thứ hai là các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, văn hóa, truyền thống của chính người Việt Nam; thứ ba là nhân sự Việt Nam khá nhanh nhạy nắm bắt được các công nghệ nước ngoài.

Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ Logistics ở mức 2PL hoặc 3PL; hậu cần tích hợp (4PL) và quản lý chuỗi cung ứng rất ít và bị giới hạn bởi năng lực và mạng lưới dịch vụ

Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới xếp hạng LPI (chỉ số hiệu quả Logistic), Việt Nam xếp thứ 39/160 tăng 25 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 Đông Nam Á tuy nhiên chỉ số LPI quốc tế trên cơ sở ý kiến tham gia đánh giá của các nhà vận chuyển, giao nhận vận tải, logistics có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam không phải do các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá do đó có tính khách quan.

Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành SCM 

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là chi phí vẫn ở mức cao, chiếm 25% tỷ trọng GDP, trong đó nguyên nhân được cho là do những yếu tố sau:

  • Hệ thống hạ tầng, giao thông Việt Nam đang thiếu và yếu so với yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của nước ta, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ
  • Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện nhiều cải cách nhằm tinh gọn thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn về thủ tục thông quan dẫn đến làm chậm tiến độ luân chuyển hàng hóa, tăng chi phí của doanh nghiệp
  • Vận tải biển nội địa chưa phát huy hết để giảm tải cho vận tải đường bộ
  • Sự liên kết giữa cảng và dịch vụ cảng (kho, bãi, trung tâm logistics) còn hạn chế do thiếu những ứng dụng công nghệ cao trong quản lý khai thác logistics dẫn đến chi phí đắt hơn nhiều
  • Nguồn nhân lực khan hiếm nên chỉ đáp ứng được quy mô doanh nghiệp và tốn kém trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành này.

Để giảm thiểu chi phí cho ngành SCM có một số biện pháp sau:

  • Giảm chi phí vận tải
  • Chuyên nghiệp hóa nhân lực
  • Quy hoạch giao thông đồng bộ

2. Một số ngành Công nghiệp đang khát nhân lực SCM

Ngành bông sợi - dệt may: là ngành xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam, là ngành có tiềm năng lớn trong nhu cầu quản lý chuỗi cung ứng. Với vị trí là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, ngành Dệt may - Da giày đang có tình hình sản xuất và tiêu thụ rất khả quan với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Tuy là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng GDP cao nhưng trong ngành vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng đặc biệt là những khiếm khuyết trong việc quản lý chuỗi cung ứng, sự thiếu liên kết giữa các mắt xích trong ngành.

Vấn đề lớn nhất là ngành dệt may vẫn chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ như giải quyết các khâu nguyên nhiên liệu (bông, thuốc nhuộm,..) mà chủ yếu vẫn đang phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu dẫn đến giá trị gia tăng không cao. Các doanh nghiệp dệt may mới chỉ làm tốt phần sản xuất và phân phối nhưng chưa xây dựng được một quy trình cung ứng thực sự chuyên nghiệp để giúp cho các doanh nghiệp tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận, phát triển các doanh nghiệp lớn chứ không phải chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay; bớt phụ thuộc và nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài. Để làm được như vậy trước hết mỗi doanh nghiệp cần phải có một bộ phận quản lý chuỗi cung ứng và đặc biệt là biết áp dụng công nghệ. 

Ngành nông nghiệp: Việt Nam là một đất nước sinh ra và phát triển là cái nôi là nông nghiệp chính vì vậy đây là một thế mạnh của nước ta và nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu,... Tuy nhiên so với nền nông nghiệp các quốc gia khác trong khu vực thì Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém trong việc làm sao tối đa năng suất đất, lao động và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa đạt được chất lượng cao để cạnh tranh với các nước khác. Đặc biệt theo các chỉ số của Ngân hàng Thế giới cho thấy một điểm yếu trong nền nông nghiệp là chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam trong thương mại toàn cầu.

Việc thiếu đầu tư vào Logistics cũng bị đổ lỗi gây nên những tổn thất trong phân phối nông sản. Hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ với sản phẩm xuất khẩu không lớn. Hạn chế chính là thiếu mô hình chuỗi cung ứng đầu cuối tích hợp. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư vào các mô hình sản xuất và công nghệ cũng như kiểm soát chất lượng nhưng sự lãng phí và kém hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng không nhận được nhiều sự quan tâm. Thứ nhất là sự tương tác thiếu hụt giữa giữa các doanh nghiệp và nông dân dẫn đến việc thiếu thông tin để xử lý, bảo quản và lên kế hoạch quản lý chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả phân phối và xuất khẩu; thứ hai để các lái buôn thương nhân là một rào cản lớn giữa nông dân và doanh nghiệp; thứ ba là các khâu chế biến và bảo quản hàng nông sản chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại; thứ tư là khâu vận chuyển còn chậm do năng lực vận tải của chúng ta còn yếu kém, gây ra thất bại. Tuy còn nhiều thách thức nhưng ngành này vẫn đang vô cùng khát nhân lực SCM, cần được bổ sung càng sớm càng tốt.

Tổ hợp ngành bán lẻ, vận tải, phân phối: Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển rất lớn chính vì thế nhận được rất nhiều nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới. Trên thực tế, việc mở rộng của các doanh nghiệp nước ngoài như BigC, Lazada, Shoppee, …. khiến các doanh nghiệp trong nước vốn đã gặp nhiều khó khăn giờ lại càng khó tìm kiếm thị trường khách hàng do không cạnh tranh được với các đối thủ lớn. Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, bởi lẽ các doanh nghiệp rất có nhiều lợi thế nổi trội  từ nguồn vốn, thương hiệu, lưu thông hàng hóa cho đến các đội ngũ nhân sự chất lượng cao, mô hình quản trị doanh nghiệp lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung qua các kênh thương mại điện tử vì tiềm năng phát triển của ngành này là rất lớn. Mục tiêu này đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức như là sự thiếu tin tưởng từ phía người tiêu dùng, việc kiểm soát các nguồn hàng cũng chưa tốt, đặc biệt là quá trình xây dựng mô hình quản lý đường đi của sản phẩm từ những nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Mục tiêu lớn nhất của ngành là biến Việt Nam trở thành Trung tâm Logistics của khu vực; muốn làm được việc này trước hết Chính phủ phải đưa ra những chính sách ưu đãi, xây dựng các hệ thống cầu đường hiện đại; sau đó đặc biệt phải chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành này.

---

Mặc dù là một trong những có ngành SCM tương đối phát triển trong khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn còn cách xa Thái Lan, Malaysia và Singapore. Ngành SCM đang là một ngành khá “hot” hiện nay tại Việt Nam, tuy nhiên chi phí quản lý chuỗi cung ứng vẫn ở mức khá cao đang trở thành rào cản làm chậm quá trình phát triển của ngành SCM tại Việt Nam so với các nước khác. Ngoài ra, các yếu tố cơ sở vật chất, giao thông vận tải cũng là những bài toán tiếp theo Chính phủ và các doanh nghiệp SCM cần giải quyết để phát triển ngành này.