Dù là newbie mới bước chân vào nghề hay một junior marketer đã chinh chiến vài năm, MarComs vẫn là mảnh đất màu mỡ để bạn thỏa thuê khám phá sức mạnh sáng tạo của mình. Tuy nhiên, với nhiều bạn đọc,  việc biết về MarComs mới chỉ dừng lại ở các case study cụ thể chứ chưa có cái nhìn tổng quan về thuật ngữ này. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, Markus sẽ cùng bạn hiểu tường tận MarComs là gì và đâu là 04 mục đích doanh nghiệp cần đạt được khi làm MarComs thông. 

1. Truyền thông Marketing là gì? 

MarComs (Truyền thông Marketing) là từ viết tắt của Marketing Communications. Ngay từ cái tên, bạn cũng có thể dễ dàng đoán được MarComs là sự kết hợp giữa Marketing và Communications, nhằm tạo ra hình ảnh, thông điệp gợi nhớ về thương hiệu trong tâm trí khách hàng. 

Để có thể sử dụng tốt Truyền thông Marketing, điều đầu tiên bạn cần làm là phân biệt rõ ba khái niệm: Marketing - Communications - MarComs. Trong bài viết này, Markus sẽ so sánh 03 khái niệm theo các tiêu chí sau: (1) nội dung tập trung, (2) đối tượng hướng tới và (3) mục tiêu.

(1) Nội dung tập trung của Marketing là bán sản phẩm dịch vụ, trong khi đó Communications (Truyền thông) lại nhằm kể chuyện, truyền tải. Như vậy, kết hợp của cả hai, MarComs tập trung vào truyền tải nội dung, câu chuyện để bán sản phẩm, dịch vụ.

(2) Đối tượng hướng tới của Marketing là khách hàng trong thị trường của mình, đối tượng của Communications mở rộng ra toàn bộ công chúng. Là “con lai”, MarComs hướng tới đối tượng là công chúng mục tiêu có thể tác động để mua hàng. 

(3) Mục tiêu của Marketing là đáp ứng nhu cầu lợi nhuận (về doanh số, thị phần, thương hiệu) còn mục tiêu của Communications là tạo ra nhận thức. Trên cơ sở đó, mục tiêu của MarComs là tạo ra nhận thức để đáp ứng nhu cầu mang lại lợi nhuận.

Ví dụ việc một nhân viên kinh doanh tư vấn trực tiếp cho khách hàng mua sản phẩm của X-Men chỉ đơn thuần là hoạt động Marketing vì nó chỉ nhằm bán sản phẩm cho khách hàng nhằm tạo ra lợi nhuận. Tương tự, việc chia sẻ câu chuyện về những người đàn ông giỏi giang, thông minh, trụ cột gia đình chỉ là một dạng Communications. Thế nhưng X-Men đã khéo léo kết hợp cả hai yếu tố trên để phát triển chiến lược MarComs - gắn hình ảnh “Đàn ông đích thực” với X-Men - để thuyết phục công chúng mục tiêu tìm đến với nhãn hàng. Nói một cách ngắn gọn, MarComs chính là nỗ lực kể chuyện về sản phẩm, thương hiệu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới công chúng mục tiêu nhằm mang lại lợi nhuận. 

2. Làm Truyền thông Marketing để làm gì?

 

Từ ví dụ nhỏ của X-Men, bạn đã nhận thấy sức mạnh của MarComs nếu sử dụng một khách khéo léo. Tuy nhiên để đem đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan hơn, như đã nói phía trên, trong bài viết này chúng ta sẽ đi sâu vào 4 lý do chính tại sao doanh nghiệp nên sử dụng MarComs dựa trên mô hình DRIP.

(1) Differentiation - Khác biệt hoá

Đầu tiên, MarComs có thể giúp bạn tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Giữa thị trường càng ngày càng khốc liệt, việc tự làm nổi bật bản thân giữa muôn vàn sản phẩm tương tự vẫn luôn là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Nếu sử dụng chiến lược MarComs hiệu quả, tạo được thông điệp gây ấn tượng tới khách hàng, hình ảnh của bạn sẽ có “sức nặng” hơn trong tâm trí khách hàng. 

Một ví dụ có thể đã rất quen thuộc với bạn là cuộc chiến định vị của Milo và Ovaltine. Ovaltine đã tận dụng định vị “thức uống cho nhà vô địch” của Milo để đưa ra thông điệp của mình: “Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích”. Chính thông điệp này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng đến Ovaltine lúc ấy.

(2) Reinforce - Củng cố

Một tác dụng nữa của MarComs mà các doanh nghiệp cần khai thác chính là khả năng củng cố hình ảnh. Nếu hình ảnh của thương hiệu xuất hiện với tần suất lớn, khách hàng sẽ dần quen với thương hiệu và bắt đầu hình thành liên kết với thương hiệu đó. 

Đó cũng là cách Heineken tổ chức sự kiện countdown cuối mỗi năm. Việc này nhằm gắn hình ảnh Heineken với tiệc mừng năm mới để tạo ra nhu cầu tiêu dùng trong khách hàng. Nói cách khác, cứ nhắc đến tụ họp cuối năm, nhiều khách hàng sẽ hình thành thói quen phải có bia Heineken mới “đúng điệu”.

(3) Inform - Thông báo

MarComs còn có tác dụng thông báo với công chúng mục tiêu về sự hiện diện của thương hiệu. Theo mô hình AIDA (Awareness - Interest - Desire - Action), trước khi muốn khách hàng thích thú (interest) với sản phẩm, dịch vụ của mình, khách hàng cần nhận biết (awareness) về nó trước. 

Một ví dụ cho việc sử dụng MarComs để tăng độ nhận diện thương hiệu phải kể đến điều hòa Casper. Bằng việc xuất hiện dày đặc trên nhiều phương tiện truyền thông như mạng xã hội, TVC, tổ chức sự kiện offline, tài trợ cho nhiều chương trình lớn,... Casper đã dần trở thành cái tên đứng top đầu khi khách hàng nghĩ đến việc mua điều hòa.

(4) Persuade - Thuyết phục 

Một lí do nữa trả lời cho câu hỏi “Tại sao phải sử dụng MarComs?” chính là việc MarComs có sức mạnh thuyết phục lớn. Đã bao giờ bạn dạo quanh các trang thương mại điện tử chỉ để mua 1 món nhưng rồi giỏ hàng thanh toán lại tận 10 món chưa? 

 

Một ví dụ điển hình cho tính năng cuối cùng của MarComs này chính là các chương trình khuyến mãi. Sự hấp dẫn của khuyến mãi đã thuyết phục khách hàng mua hàng dù họ không quá cần chúng. 

 

Nguồn: Think Markus