Khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” chính thức được đưa ra với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy sĩ). Theo nhiều chuyên gia, bản chất của CMCN 4.0 là sự kết nối, đặc trưng bởi sự hợp nhất (fusion) của nhiều công nghệ làm mờ đi ranh giới giữa không gian vật lý (thực), số và sinh học. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).

 

CNTT không chỉ là một ngành, mà đang được coi là “siêu ngành” vì sự phát triển xuyên suốt trong toàn bộ các ngành kinh tế - công nghiệp khác. Tại Việt Nam, CNTT là một trong những ngành đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất với tốc độ trên 10% mỗi năm.

 

Tuy nhiên, nguồn nội lực về đội ngũ nhân sự đang thiếu trầm trọng. Mỗi năm, số lượng nhân sự mới được đào tạo ngành CNTT chỉ đạt trên 30.000 người, trong khi nhu cầu tuyển dụng của ngành mỗi năm là 80.000 người (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2016). Nguồn nhân sự này không chỉ là các lập trình viên thông thường mà còn cả một đội ngũ nhân sự hùng hậu cần bổ sung trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm, phát triển - tối ưu quy trình.

 

CNTT giúp tăng hiệu quả như thế nào?

 

Cốt lõi cuối cùng CNTT mang lại là giá trị cho người sử dụng: làm thế nào ứng dụng công nghệ để hiểu được người dùng nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất; làm thế nào để áp dụng CNTT hiệu quả để cải thiện quy trình làm việc, tăng năng suất người lao động.

 

Tư duy về phát triển CNTT đi từ quy trình hóa và số hóa quy trình. Ban đầu, người phát triển chiến lược xây dựng hình ảnh quy hoạch tổng thể về quy trình, các dịch vụ, lấy những người sử dụng đầu cuối (end-user) làm trung tâm, phân tích cụ thể từng giai đoạn, quy trình xoay quanh người sử dụng, liệt kê các đối tượng tham gia cung cấp giải pháp / dịch vụ, phân phối trực tiếp đã có và / hoặc đang phát triển. Từ đó mới có bức tranh tổng thể quy hoạch chi tiết theo từng ngành hoặc lĩnh vực, tập trung giải quyết những khâu nào gắn với nhiệm vụ trọng tâm chính trị, kinh tế, xã hội.

 

Một ví dụ điển hình ứng dụng CNTT trong giáo dục, sau 1 thời gian triển khai đổi mới, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã cùng với nhóm chuyên gia xây dựng bức tranh tổng thể mô hình hệ sinh thái giáo dục với người học là trọng tâm (School 2.0). Mô hình này đưa ra các quy trình gắn liền với từng giai đoạn dạy – học, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục. Bức tranh này cũng đã giúp ngành giáo dục Hoa Kỳ quy hoạch mạng lưới, giúp định hướng các nhà trường, doanh nghiệp chú trọng tới việc phát triển, xây dựng các nhóm sản phẩm thị trường đang có nhu cầu.

 

Một ví dụ khác, tổ chức CB Insights thường xuyên cùng với các nhóm chuyên gia xây dựng các biểu đồ mô tả các giai đoạn dịch vụ trong một số ngành hàng đặc thù (ví dụ như hệ sinh thái nông nghiệp sạch, công nghệ tài chính, sản phẩm phần mềm – phần cứng dùng trong gia đình,…). Trong các biểu đồ này, các chuyên gia sẽ phân tích chu trình và hoạch định tổng thể các nhóm dịch vụ, sản phẩm phục vụ trong từng mảng hoặc lĩnh vực, tổng hợp các đơn vị đã cung cấp những giải pháp trong thị trường. Từ đó, biểu đồ cho thấy những khâu cần chú trọng phát triển, hoặc đang chưa phát triển hiệu quả.

 

 

Các nhóm lĩnh vực chính của CNTT:

Nhóm 1: nhóm trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT:

  • Phát triển phần cứng, hạ tầng kỹ thuật số

  • Phát triển phần mềm và các công ty Internet

  • Cung cấp dịch vụ CNTT

  • Viễn thông

Nhóm 2: nhóm trực tiếp ứng dụng CNTT trong phát triển tổ chức, doanh nghiệp:

  • Số hóa quy trình hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp

  • Phát triển dịch vụ ứng dụng Công nghệ đi kèm dịch vụ, sản phẩm lõi (offline)

  • Phát triển hệ sinh thái đi kèm các sản phẩm chính

Ví dụ nên nghiên cứu về nhóm 2: 

  • Starbucks xây dựng Dự án trọng điểm Starbucks Digital Platform

  • Nike xây dựng Dự án lõi Nike+ Platform

  • Mercedes xây dựng phần mềm Mercedes-Benz Collection cho phép người dùng chọn lựa xe để thuê thay vì mua mới; phần mềm Mercedes Me theo dõi mọi trạng thái của xe

  • Salesforce xây dựng Salesforce Economy, sử dụng hệ thống quản trị nhân sự làm lõi, giúp thúc đẩy tăng trưởng cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng các hệ thống của Salesforce