Các bạn đã bao giờ nghĩ mục đích cốt lõi khiến mình mong muốn học và làm việc ở Mỹ?

-----

Tôi đã từng học tập, sống và làm việc tại cả châu Âu, Úc và 1 số quốc gia châu Á. Tôi cũng đã từng đặt chân đến 12 thành phố của 10 quốc gia châu Âu. Tôi chưa từng sống ở Mỹ, nhưng em trai tôi đã sống bên ấy 2 năm trời, và không gì cậu ấy biết mà tôi không biết.

Nếu bạn mong muốn học tập và làm việc tại 1 môi trường năng động, kinh tế phát triển, cuộc sống sầm uất, nhiều đất để diễn: Frankfurt (Đức), London (Anh) và Geneve (Thụy Sỹ) không thua gì New York hay Washington DC.

Nếu bạn mong muốn học về kinh doanh hay tài chính: Anh, Đức, Thụy Sĩ, các quốc gia Bắc Âu đều có những trường ĐH hàng đầu và còn nhiều cơ hội việc làm để bạn thể hiện hơn.

Nếu bạn học về kỹ thuật, công nghệ: Đức là hàng đầu.

Nếu bạn học về mỹ thuật, nghệ thuật, xã hội học: Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ sẽ là thiên đường của bạn.

Nếu bạn muốn học ở các trường ĐH Top 100 thế giới: số lượng các trường ở châu Âu nằm trong top này còn nhiều hơn cả Mỹ.

Nếu bạn băn khoăn học ở châu Âu sẽ áp dụng được kiến thức bao nhiêu phần trăm trong cuộc sống? Tôi học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Leipzig, Đức (Top 300 thế giới thôi), chuyên ngành Quản trị đổi mới sáng tạo. Nếu như kiến thức học Đại học tôi chỉ sử dụng 10% vào công việc, thì kiến thức chương trình đào tạo Thạc sỹ này, tôi áp dụng tới trên 80% vào công việc hiện tại của mình. Tôi đã từng có dịp được đi thăm nhà máy sản xuất ô tô Mercedes CLK (dòng mui trần, 2 chỗ, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng) tại nhà máy của Mer ở Bremen. Mỗi ngày nhà máy ấy sản xuất 1,000 chiếc, và lúc nào cũng chỉ có… 2 nhân công làm việc trong nhà máy. Thế đấy các bạn ạ, tư duy cải tiến là tư duy cốt lõi của người Đức, họ chú trọng từng chi tiết trong từng khâu, cứ mỗi năm phải cải tiến tổng thể toàn bộ công ty 1 lần, còn chuyện cải tiến ở các phòng ban, đơn vị chức năng,… của họ là hàng tháng.

Tôi học tư duy cải tiến, đổi mới sáng tạo của người Đức, từ tư duy phân tích, đến tư duy phá rào, và tư duy kiểu chiến binh khai phá. Tất cả những kiến thức ấy, tôi đang áp dụng cho mọi công việc của mình và hướng dẫn, tập huấn cho mọi thành viên trong nhóm hiện tại (Tôi sẽ dành 1 bài viết sau để nói về việc áp dụng như thế nào)

--------

Còn điều kiện đầu vào có khó hay dễ?

Nếu các bạn đã tìm hiểu rồi, các bạn sẽ thấy yêu cầu đầu vào để theo học tại các trường ĐH Top 500 thế giới tại châu Âu không phải quá khó (cái khó là ở đầu ra cơ). Học phí không quá cao. IELTS hoàn toàn được chấp nhận, không phải thi TOEFL, không GMAT, không GRE. Bảng điểm GPA không quá khó để quy đổi. Việc xin visa cũng không khó như visa đi Mỹ.

Trước đây tôi cũng từng có 1 giấc mơ Mỹ. Nhưng với khoản ngân sách của mình (dưới 15,000 USD) thì muốn học ở Mỹ chỉ có phương án duy nhất là đi theo dạng học bổng. Tôi vẫn tìm và nộp hồ sơ như bình thường, nhưng cũng xác định luôn là khả năng trượt cao (thường để xin học bổng bạn phải chuẩn bị tầm 1 – 2 năm, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và nộp tiếp). Nhưng với tâm lý phải bắt đầu học cho bằng được trong giai đoạn 2013 – 2015 (nếu sau đấy thì ảnh hưởng tới công việc của tôi), tôi tìm đủ mọi cách và tôi thấy một loạt chương trình cũng trường xịn, bằng tốt nghiệp xịn và với kinh phí học tập + sinh hoạt nằm trong ngân sách của mình.

Đời thay đổi khi ta thay đổi. Đừng chờ nước Mỹ thay đổi mà bỏ lỡ nhiều cơ hội. 4 năm cho tới lần bầu cử tiếp theo là quá nhiều cho bước ngoặt thay đổi cuộc đời bạn. Du học giống như đầu tư chiến lược vào tương lai, bạn cần phải sẵn sàng, và đừng giao số phận của bạn vào tay bất kỳ một ai khác. Muốn làm được điều đó, không bàn luận, không than phiền, hãy đứng dậy, xách hành trang ngay và luôn. Đợt nộp hồ sơ bắt đầu vào tháng 2 tới đây, bạn sẽ phải chuẩn bị ngay thôi.

Có rất nhiều cơ hội trên thế giới này, vấn đề là bạn có biết hay không. Bạn có bất kỳ băn khoăn hay vướng mắc gì, từ việc chưa có định hướng rõ ràng, chưa biết bắt đầu từ đâu, chúng tôi, những cựu du học sinh sẵn sàng ở đó để tư vấn cho bạn. Duy nhất trên Ella, chúng tôi luôn có các bạn alumni phù hợp để giúp bạn bất kể bạn là ai, hồ sơ như thế nào, muốn học ngành gì, bậc nào, ở đâu. Bạn chỉ việc đăng ký tham gia, nhập thông tin với các từ khóa về khó khăn, mong muốn của mình, hệ thống sẽ tự động giới thiệu với alumni phù hợp nhất để tư vấn cho bạn