Mình đã nuôi ý định đi du học Thạc sỹ từ khi còn đi học Đại học với định hướng cụ thể là học về Quản trị hoặc Kinh tế. Khi ấy, mình thực sự muốn đi Mỹ, châu Âu (Đức, các nước Bắc Âu, Thụy Sỹ) hoặc Úc, Nhật.
 
Năm 2010, tốt nghiệp ra trường, mình từ bỏ cơ hội ở lại trường làm việc dù cho khả năng kiếm học bổng du học cao hơn, để làm việc tại một công ty lớn về Công nghệ. Lý do thì đơn giản, trước đó mình đã từng đi làm nên mình hiểu rõ, học Thạc sỹ về Quản trị hoặc Kinh tế khi chưa có 1 tí kinh nghiệm gì thì quả là không nên học làm gì, mà có học thì khả năng áp dụng vào thực tế sau này cũng rất khó khăn.
 
Cũng như bao bạn trẻ khác, sau 3 năm, mình muốn thay đổi và tìm kiếm một môi trường mới để nhảy sang 1 cái ao lớn hơn. Mình đứng trước 3 sự lựa chọn: chuyển sang 1 công ty lớn hơn; về làm việc tại 1 dự án mang tầm vóc quốc gia; và sang hẳn nước ngoài để học hỏi nâng cao bản thân. Và mình quyết định chọn phương án 3.
 
Thời gian tìm kiếm chương trình học dài đằng đẵng
 
Nhiều bạn đã trải qua điều này hẳn thấy rõ rồi. Thời gian research không phải tính bằng giờ, bằng ngày mà phải tính bằng tuần, bằng tháng (và có khi cả bằng năm).
 
Mục tiêu của bạn càng cao, khoảng thời gian bạn dành cho nó sẽ càng nhiều.
 
Ban đầu, mình thích ra nước ngoài học lắm. Mong muốn sang cả 1 năm, 2 năm để thỏa sức trải nghiệm. Mình tìm kiếm không mệt mỏi, lập sẵn thành 1 ma trận, vạch sẵn các tiêu chí ưu tiên và hệ thống cho điểm các chương trình phù hợp với nguyện vọng cá nhân . Thấm nhuần kinh nghiệm đi thi thố từ hồi học Đại học, mình nộp hồ sơ cho 20 chương trình học thạc sỹ về QTKD, Kinh tế (cả học bổng và ít học phí) tại 6 quốc gia. Kết quả là mình bị từ chối 8 chương trình, 7 chương trình không thấy hồi âm và 5 chương trình được chấp nhận.
 
Mình hoàn toàn chưa bằng lòng, vì những chương trình mong muốn nhất lại chưa có trong list được chấp nhận.
 
Tự vấn kỹ: điều mình mong muốn nhất là gì, và điều mình sẵn sàng dành cho nó là gì.
“Chẳng lẽ lại tìm tiếp, đi làm, apply lại vào năm sau?”
 
25 tuổi, thời gian quyết định chẳng còn nhiều. Vậy là mình đặt lại câu hỏi cực lớn: “Nếu để trải nghiệm, vậy mình nên học trong bao lâu là đủ”
 
Và câu trả lời rõ ràng là: 2 năm thì tốt, nhưng 6 tháng hay 12 tháng thì vẫn đủ.
 
Và mình bắt đầu tính toán chi phí cơ hội. Về bản thân, mình chắc chắn sẽ đi học trong năm ấy, ngoài ra, nếu có thời gian làm việc thì tốt, vì mình có thể kiếm thêm tiền. Thời gian apply kỳ mùa đông đã kết thúc rồi, gần nhất phải chờ kỳ mùa xuân (nếu vẫn giữ nguyên ý định du học). Vậy là mình bắt đầu tìm phương án học liên kết.
 
Ngày ấy (năm 2013) không có nhiều chương trình ở HN. Quanh đi quẩn lại, những chương trình xịn nhất là của RMIT, BUV, CFVG, ĐH Bách khoa. CFVG thì tỷ lệ được đi du học chỉ khoảng 10-15%, mình xác định sẽ phải cạnh tranh nên phải ngẫm lại. Mình đã đắn đo rất nhiều giữa 2 chương trình của ĐH RMIT và ĐH Bách khoa HN (chương trình du học ở Đức - ĐH Leipzig). Về chất lượng đào tạo và đội ngũ Alumni, mình thấy cả 2 chương trình đều nằm trong top đầu. Chương trình của RMIT thì có 1 điểm hay ho là, cho phép học viên chọn quốc gia học trong 6 tháng. Mọi thứ đều rất tuyệt, chỉ có 1 điều là học phí hơi cao hơn so với khả năng của mình. Mặc dù khi đó mình quyết định chọn chương trình của trường ĐH Bách khoa HN, nhưng nếu có khả năng, bạn hoàn toàn nên tham khảo về chương trình của ĐH RMIT.
 
Phải thực sự nói là, thời gian đi du học đã mang lại cho mình cực nhiều giá trị to lớn. Với mình, giá trị khi đi du học là:
- Thay đổi tư duy, môi trường và cuộc sống của chính mình. Mình đã học được rất nhiều quan điểm sống và làm việc hay ho của người bản xứ. Sống là tận hưởng mọi cơ hội, mọi phút giây. Yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu môi trường và con người xung quanh sẽ giúp bạn nhận lại những điều tương tự.
- Tự mình làm mọi việc: tự lên kế hoạch, tự thực hiện đạt mục tiêu, tự sống, tự nấu bếp, lo cuộc sống, tự ngồi suy tư về đời, tự mình nhìn nhận và quyết định mọi việc dù lớn dù nhỏ, tự mình cho phép mình hưởng thụ từng phút giây hay sống một cuộc sống như thế nào. Khi bạn chưa tự làm 1 điều gì đó, thì nó có nghĩa bạn cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại mình chứ đừng đổ lỗi cho xung quanh
- Mở rộng cơ hội, mở rộng mạng lưới: bạn bè năm châu là một điểm cộng hoàn toàn để bạn tăng cường mở rộng cơ hội của mình. Trước đó bạn chưa cảm nhận đâu, nhưng bạn cứ nghĩ 1 ngày nào đó mình đi công tác, đi du lịch, hay phát triển mô hình kinh doanh của chính bạn ra toàn cầu chẳng hạn. Những điều bạn chưa bao giờ ngờ tới sẽ “từ đâu ập đến”, và bạn sẽ thắng khi bạn đã có đầy đủ công cụ và sự chuẩn bị.
 
 
Bạn đã ở tuổi 25 như mình đã từng? Khủng hoảng nghề nghiệp, chán nản vì mọi sự nhàm chán hiện tại, có nên đi du học hay không và cần phải làm gì? Cứ suy nghĩ kỹ càng nhé. Khi bạn đã nghĩ kỹ rồi thì bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện thôi. Chọn học nước ngoài 6 tháng hay 12, 24 tháng là tùy ở bạn, nhưng theo mình hãy nên tính toán kỹ chi phí cơ hội nhé.