Như đã hứa kỳ trước, lần này chúng ta cũng bàn luận về cơ hội việc làm của sinh viên Việt tại châu Âu. Đi làm vừa cho bạn thêm kinh nghiệm và kiến thức, vừa tăng thêm thu nhập. Có những hứa hẹn và thách thức gì đang chờ bạn trong công cuộc cạnh tranh khốc liệt này?

1. Labour part-time job

Gọi là việc chân tay (lao động nặng) vì hầu hết không cần bằng cấp, rất đa dạng và phổ thông, cũng là loại việc dễ tìm nhất. Có thể liệt kê ra sinh viên Việt hay làm những job như phục vụ ở nhà hàng (thường là quán Việt hoặc quán Tàu); cleaning a.k.a lau dọn cho công ty, nhà riêng hay bất kỳ chỗ nào được yêu cầu; đưa báo; vận chuyển bốc dỡ hàng; đóng gói thực phẩm trong nhà máy; dọn phòng khách sạn;…. Mùa hè đến thì có thêm việc trong nông trại như trồng và thu hái hoa quả (nghe vậy nhưng rất cực vì làm 12 tiếng ngoài đồng). Nếu nhanh nhạy, biết tiếng có thể làm phụ bếp và thu ngân. Việc biết tiếng bản địa luôn luôn cho bạn lợi thế khi xin việc và deal lương. Một số việc liên quan đến đồ ăn thức uống có thể yêu cầu bạn thi lấy bằng vệ sinh thực phẩm. Nhìn chung, cơ hội cho những việc thế này rất nhiều, chỉ cần chịu khó tìm là thể nào bạn cũng có việc. Nếu bạn làm 5 tiếng/ngày, vài buổi 1 tuần là có thể trả được tiền nhà rồi. Thuế cho sinh viên cũng chỉ dao động vào khoảng 1%-10%, thấp hơn nhiều so với người đã tốt nghiệp.

2. Internship/trainee/part-time job at a company

Khá nhiều trường yêu cầu bạn phải có một kỳ thực tập kéo dài khoảng 5 tháng trong chương trình học. Thực tập hay làm part-time ở các công ty không hề khó tìm, nhất là trong trường hợp bạn chịu làm không lương chỉ lấy kinh nghiệm. Nếu bạn được nhận vào vị trí trainee hay làm part-time thì sau một thời gian có thể được ký hợp đồng chính thức. Tất nhiên, nếu bạn nộp hồ sơ ở các công ty tập đoàn lớn, hay những chương trình đào tạo nhân viên có tiếng thì khả năng cạnh tranh sẽ rất cao. Việc tự do đi lại trong EU đồng nghĩa với việc bạn có thể học tập tại nước này vẫn sang một nước thứ 3 làm việc được. Ví dụ bạn là người Việt học ở Anh, cũng có thể sang Pháp thực tập thoải mái. Có rất nhiều vị trí thực tập đáp ứng được nhu cầu ngành học của bạn, từ marketing, finance, operation đến những môn như lịch sử nghệ thuật hay nghiên cứu tàu thủy,….vv.

3. Official placement

Việc lý tưởng nhất mà ai cũng mong muốn đấy là đươc làm chính thức trong các công ty hay tổ chức chính phủ. Tất nhiên là có lương. Vấn đề đặt ra là, đây là đích nhắm của không chỉ sinh viên quốc tế mà cả sinh viên bản địa nữa. Với tình trạng kinh tế khó khăn của châu Âu hiện nay, chưa phục hồi sau đợt khủng khoảng 2009, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao (21.4% người trẻ châu Âu thất nghiệp, số liệu cuối 2014), cơ hội xin việc làm cho sinh viên quốc tế là khá khó khăn, bởi lẽ các nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên người bản địa hoặc người thành thạo ngôn ngữ bản địa. Đây là lý do bạn nên đi học ngay một ngôn ngữ phổ thông dùng được ở nhiều nước như tiếng Đức, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha. Trình độ chuyên môn và bằng cấp vẫn chưa bao giờ là đủ. Một rào cản nữa cho những người ngoại quốc/nhập cư như chúng ta là các nhà tuyển dụng đôi khi ngại việc phải thông qua các lớp giấy tờ phức tạp để nhận một nhân viên bậc thấp (ví dụ như ở Đức làm rất kĩ càng tốn công sức, ở Pháp lại có chút "quan liêu" giống Việt Nam,….) nên họ có xu hướng chọn chính dân châu Âu cho lành, tự do di chuyển, đỡ phải thủ tục gì cả. Nói vậy chứ nếu bạn thật sự có năng lực, thái độ làm việc tốt và biết giao tiếp, đi đâu cũng không phải lo lắng. Ngay cả các trường đại học (bất kỳ) cũng có networking giúp đỡ cho sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp. Và nếu bạn đi làm full-time khi đã tốt nghiệp, bạn sẽ trả thuế theo tỉ lệ của nước mà bạn đang làm (thường trên 20%) và mức thu nhập của bạn.

4. Online job

Chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng và một tài khoản ngân hàng quốc tế, bạn có thể làm việc bất cứ lúc nào và ở đâu bạn muốn. Kể cả khi công ty bạn ở Nam Mỹ cũng được luôn. Đây cũng là một lựa chọn việc làm hay ho bất kể bạn đang sinh sống học tập ở đâu. Việc thì rất nhiều, "Cốc Cốc" một chút sẽ ra. Tuy nhiên có 2 điều đáng lưu tâm là độ đáng tin tưởng của công ty và khả năng quản lý quỹ thời gian của bạn. Vì vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài chính (thẻ ngân hàng) và các hạn chế giao tiếp khi làm việc từ xa, tốt nhất là hãy tìm hiểu kỹ càng và chỉ làm cho những nơi/lãnh đạo đã được chứng nhận, và khi bạn cảm thấy mình có thể thích nghi với việc làm một mình và có những hạn chế trong việc gặp gỡ trao đổi với đồng nghiệp. Làm online thường tính theo hiệu suất công việc hơn là gò bó thời gian, nên bạn sẽ phải tự tìm cách cân bằng cuộc sống như một freelancer vậy.

5. Start-up

Đây cũng là một lựa chọn để khởi xướng ở bất kỳ đâu. Không ai cho việc thì bạn tự tạo ra việc. Bạn không muốn đi làm thuê? Hãy vẽ ra việc đủ hay để có nhân viên. Ý tưởng sáng tạo tuôn trào? Còn chần chờ gì, bạn đang ở cái nôi văn hóa nghệ thuật mà. Không thiếu những event lớn hằng năm ở khắp châu Âu để bạn mang ý tưởng của mình ra biển lớn. Đó là Pirate Summit của Cologne, How To Web của Bucharest, Slush của Helsinki, hay LeWeb của Paris,…. Đừng chần chừ, hãy thử! Bài viết sử dụng tư liệu từ: Wikipedia, Statista, startupbootcamp.