Chia sẻ của Alumni Hoàng Phương Hải Châu - Chủ nhân học bổng toàn phần tại ĐH Tsukuba, Nhật Bản

Đã một năm kể từ ngày mình nhận được học bổng để theo học tại đại học Tsukuba, một trong 10 trường đại học được xếp hạng cao nhất tại Nhật Bản. Mình - khi ấy 18 tuổi, vốn chẳng có gì đặc biệt xuất chúng - đánh đổi vô cùng nhiều những vùng an toàn để tự ép buộc bản thân trưởng thành. Ngày hôm nay, xin phép được ghi lại 5 câu nói đã ghi dấu vào hành trình ở Tsukuba của mình:

1. “Bố tao là đại biểu Quốc hội Pakistan, còn tao ngồi đây lật bánh McDonalds”

Chẳng khó để gặp những người có xuất thân tốt hơn, và cũng nỗ lực hơn mình nhiều lần ở đại học Tsukuba. Nimrah là cô bạn đến từ Pakistan mà mình vốn rất ngưỡng mộ. Cả thời trung học, cô bạn là một gương mặt nổi bật ở thành phố Hyderabad với những lớp học dạy kinh Qur’an miễn phí cho học sinh nghèo.

Ngày hôm qua khi nói chuyện với mình, bố cô bạn đang cuốn mình trong chiến dịch tranh cử mới của nước này. Còn cô bạn? “Ê này, tao mới nhận thêm nhiệm vụ lật bánh ở McDonald.”

Cô bạn đảm bảo vẫn duy trì được bảng điểm đẹp hoàn hảo, tổ chức các buổi học nhóm ít nhất 10 tiếng/tuần để ôn luyện kiến thức, nỗ lực thực hiện tất cả lịch trình đúng hạn và độc lập khỏi mọi phụ trợ của gia đình.

Khi hỏi về động lực đằng sau tất cả mọi nỗ lực, Nimrah mỉm cười: “Tao thực sự rất thích lối sống quy củ mà tao tự chọn cho bản thân.”

Đúng! Nỗ lực là một lựa chọn. Xuất thân thì không chọn được, nhưng giọt mồ hôi rơi xuống thì hoàn toàn là do mình chọn, do chính mình tạo nên.

2. “Thầy/cô này biết mình đang làm gì” (“He knows what he’s doing.”)

Đây là câu nói học sinh trường mình dùng nhiều nhất để bàn luận về chất lượng giáo viên. Bọn mình, là những người có thái độ nghiêm túc với việc học, cần có những giáo sư cũng có thái độ dạy và đối xử với mỗi buổi học thật chỉn chu.

Thầy giáo Kinh tế mình theo học từng có hơn 20 năm làm việc trong bộ Tài chính Nhật Bản, giữ chức vụ cao ở các dự án với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngay từ hôm đầu vào lớp, thầy đã kịp dặn dò:

“Học lớp này không có giáo trình nào hết. Nếu mong được học lý thuyết truyền thống thì ngồi nhầm lớp rồi.”

Thế là một tuần, bọn mình sẽ miệt mài đọc 300 trang báo cáo tài chính, cập nhật kiến thức nóng hổi nhất về Thế giới để kịp tranh luận trong lớp, tìm kiếm thông tin về tình hình thực tế nguồn quỹ ODA và FDI, phân tích sơ hở và phản biện các dự án đầu tư của Nhật vào đất nước bọn mình.

Chính nhờ những project kinh tế này, bọn mình không giới hạn quá trình học trong những lý thuyết đọc rồi quên, mà dám để bản thân nhìn ra một bức tranh toàn cảnh. Lần đầu tiên trong đời, mình có thể đọc về Thuế thu nhập Cá nhân của Việt Nam và thấy thú vị như thế.

Được học với các giáo sư đầu ngành của Nhật Bản là trải nghiệm thực sự quý giá. Tiêu chuẩn họ đặt ra càng cao, mình sẽ càng có cơ hội thể hiện và nới rộng những giới hạn tự bản thân đặt ra cho chính mình.

3. “Thời gian kêu ca được thì dành mà nghĩ ra giải pháp.”

Mình như thường lệ giữ thói quen kêu ca và trốn chạy nếu có sự việc gì xảy ra không như mong muốn. Định yếu đuối tâm sự thì một chị khóa trên hất thẳng câu nói này vào mặt mình.

Ở Tsukuba, hiếm khi tìm được một học sinh ngồi kêu ca phàn nàn. Nếu có thời gian để phàn nàn, bọn mình tuần tự hai bước, một là vào thư viện ngủ để lấy sức, hai là tỉnh dậy nuốt hết thất vọng vào để tiếp tục hoàn thành công việc.

Trời ơi! Cuộc đời chảy trôi, mày chưa giỏi, chưa nỗ lực, mày kêu gì ở đây vậy?

Thế nên, trong những buổi hẹn ăn, bọn mình có quy tắc ngầm là chỉ bàn về buổi học, các giáo viên, cách cải thiện cuộc sống và tương lai ở Nhật Bản. Tuyệt nhiên không có một ai kêu ca bất cứ thứ gì.

Vài lần như vậy, mình bỏ được thói quen xấu xí, rèn luyện để có thái độ đối mặt vấn đề, thay vì than vãn, trì hoãn và trốn chạy.

Tự thấy mình không giỏi, không thông minh? Tự tìm giải pháp, ngưng phàn nàn!

4. “Ồ, cháu học đại học Tsukuba à, tốt quá nhỉ!”

Mặc dù nghe có vẻ bất công, người Nhật trong sâu thẳm vẫn coi trọng vị trí xã hội, và đại học là một thước đo quan trọng để đánh giá trình độ một cá nhân. Chẳng thế mà, những gia đình xuất thân danh giá của Nhật sẽ cố duy trì để cha truyền con nối thi vào những đại học xếp hạng cao nhất.

Là một học sinh quốc tế thì khá thiệt thòi, nhưng khi mình nhắc đến đại học Tsukuba, phần lớn những người xung quanh sẽ dành cho mình một sự tôn trọng nhất định. Một số bác lớn tuổi sẽ xoa đầu khen bọn mình chăm chỉ, và giúp đỡ bọn mình nhiệt tình.

Mình cũng không bao giờ nghĩ là sẽ gặp và yêu anh người yêu hiện tại, nếu cuộc đời mình không dám nỗ lực để chuyển đến đại học Tsukuba.

5. “Làm tốt rồi, cho bản thân chút ôm nè!”

Câu này, là mình tự phải nói với bản thân mỗi ngày. Cũng rất tốt nếu nỗ lực mỗi ngày. Cũng thích thật nếu bạn bè xung quanh cho mình động lực để cạnh tranh. Cũng thật vui nếu được thầy cô thách thức những giới hạn.

Nhưng thành quả lớn nhất, quả thực là cảm giác vượt qua được bản thân, mỗi ngày, ít thôi, nhưng thật bền bỉ.

Những hôm lười chẳng muốn dậy. Những hôm áp lực ngồi khóc dấm dứt. Nhưng mỗi ngày, từng chút một thôi, dựng bản thân dậy, cố tiếp, bước đi tiếp, rạng ngời tiếp. Ngồi thư viện lâu hơn một chút, sáng dậy sớm một chút, làm bài luận chỉn chu hơn một chút, học tiếng Nhật với tâm trạng hào hứng hơn một chút.

Tương lai có muôn vàn khó khăn. Ngày hôm nay 19 tuổi, mình biết là mình vẫn làm tốt, làm hết sức, mình cảm thấy ôm bản thân vào lòng và tự khen ngợi bản thân thực sự là điều nên làm.

Các bạn, chúng mình cùng cố gắng, đừng sợ.