Hẳn là rất nhiều bạn học sinh cuối cấp THPT hiện nay đang vô cùng phân vân “chọn ngành gì, nghề nào” hay “học ở đâu” vì sẽ không còn lâu nữa, các bạn sẽ phải đăng kí Kì thi THPT Quốc gia. Hay dù các bạn có đang bù đầu vào những bài vở luyện thi trên lớp, thì cũng đừng quên rằng, ngoài kiến thức, kĩ năng cũng là một phần quan trọng không kém cả trong công việc lẫn cả cuộc sống của mình.

Sau đây sẽ là các kĩ năng ai cũng cần có ở ĐẠI HỌC VÀ LÀM VIỆC TẤT CẢ CÁC NGÀNH NGHỀ


Cuộc sống sinh viên đang chờ đợi bạn, cũng sẽ là khi bạn phải cấp tốc học những kĩ năng này thôi!


  1. Kĩ năng Giao tiếp

Nhiều người thường nghĩ kĩ năng Giao tiếp chỉ thể hiện ở khả năng ăn nói, tuy nhiên, kĩ năng này bao gồm cả khả năng nói, viết và thậm chí lắng nghe!

Giao tiếp tốt là khi thông điệp được chuyển đi một cách rõ ràng, súc tích và cụ thể. Giao tiếp tinh tế là có khả năng điều chỉnh ngôn ngữ, cách thể hiện thông điệp sao cho phù hợp với người nghe và cao hơn nữa là khả năng lắng nghe quan điểm của người khác.


  1. Làm việc nhóm 

Làm việc nhóm hay Teamwork là kĩ năng bạn rất cần phải có (nếu bạn không muốn chịu cảnh một mình “gánh team”!). Đây là kĩ năng cho bạn khả năng chịu trách nhiệm, thể hiện bản thân và kết hợp với các đồng đội để cùng tiến tới một mục tiêu chung. Làm việc nhóm còn là “xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên”, giúp tất cả có một tinh thần đồng lòng với công việc chung nhưng đồng thời đạt được những mục tiêu riêng của bản thân.


  1. Đàm phán và thuyết phục

Lên Đại học bạn sẽ được học về thuyết “Cung - Cầu” và đàm phán, thuyết phục là việc bạn giúp cho “Cung” và “Cầu” gặp nhau tại một điểm. Tại điểm đó, tức là bạn đã đàm phán thành công, bạn có được những lợi ích của mình, đồng thời, đối tác của bạn cũng vậy, cả hai cùng vui vẻ, hài lòng với những thứ mình cho đi và nhận được.


  1. Giải quyết vấn đề

Là khả năng suy nghĩ logic và phân tích, tiếp cận vấn đề để giải quyết nó (cùng những hệ quả của nó!). Là một người có khả năng giải quyết vấn đề tốt, bạn sẽ là người có nhiều góc nhìn đối với một sự vật, sự việc (hiểu nôm na là có tầm nhìn lớn). Ở ngành nghề nào cũng vậy, các công ty muốn tuyển nhân viên để giải quyết vấn đề, giúp công ty phát triển tốt hơn.


  1. Quản lý công việc cá nhân

Ai cũng cần có khả năng quản lý, kể cả không cần phải là Nhà quản lý, vì ai cũng cần quản lý công việc cá nhân, quản lý thời gian, “quản lý cảm xúc”. Bạn biết cách lên kế hoạch như thế nào, công việc gì cần được ưu tiên, công việc nào có thể sắp xếp, liên tục cải thiện tình hình làm việc để ngày càng nhận được kết quả tốt hơn khi tiêu tốn sức lực, tiền bạc,... vẫn thế hoặc ít hơn. Điều cốt lõi ở đây là bạn phải tập trung, hoàn thành công việc, đúng deadline.


  1. Kiên trì theo đuổi mục tiêu

Cuộc sống hay công việc không ngừng có những khó khăn ập đến bạn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thành công chắc chắn sẽ tới với những ai giữ vừng được bình tĩnh, không ngừng nỗ lực theo đuổi mục tiêu. Như người Việt có đúc kết “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm” hay trong chuyện tình cảm thì “đẹp trai không bằng trai mặt” đó.

Kết bài

Mong rằng mỗi chúng ta luôn không ngừng phấn đấu, học hỏi mỗi ngày để đi tới những mục tiêu tốt đẹp!

Le Thi Kim Trang
Le Thi Kim Trang
Cựu du học sinh Ý, học trao đổi tại trường đại học Ca’ Foscari. Chủ nhân học bổng toàn phần Erasmus+