Chắc hẳn, không ít lần, các bạn được nghe đến cụm từ “Học bổng toàn phần: không khó nếu …”. Mình cá là cứ một trăm bài như thế này, sẽ có khoảng chín mươi chín bài là từ các tác giả “không bình thường” với một bộ hồ sơ cực khủng với đủ các thứ, nào là GPA loại giỏi, loại xuất sắc trở lên, IELTS bèo lắm cũng 7.0 rồi vô số các giải thưởng cấp tỉnh, cấp nhà nước, các công trình nghiên cứu ngay từ trên ghế nhà trường. Các bạn hẳn sẽ cảm thấy chán nản, và các bạn quyết định rằng, mình không phải như thế, mình đã “lỡ” có GPA thấp, mình chưa có IELTS cao, mình không có công trình nghiên cứu, v.v… Và thế là các bạn đã tự đóng sập cánh cửa du học bằng học bổng, có thể là học bổng toàn phần của mình.

Trước hết, có thể khẳng định rằng, những bạn với hồ sơ như đã kể ở trên là quá tuyệt vời, và họ đã chọn đúng con đường để xin học bổng, chúng ta là những kẻ “gà mờ”. Hãy chấp nhận sự thật rằng hoặc chúng ta đã không đủ khát khao và đam mê để du học từ sớm như họ, hoặc chúng ta, đã không được định hướng đúng từ sớm. Không có gì xấu hổ khi bạn biết muộn cả.

Khi viết bài viết này, mình đã là alumnus của chương trình trao đổi cán bộ hợp tác quốc tế của Erasmus trở về từ Porto. Mình có một bộ hồ sơ mà trước khi mình bắt đầu đi làm, có lẽ là “tệ nhất trong lịch sử những người xin học bổng” (mà lại còn đậu!). “Thành tích” của mình là GPA 7.54 (mém không đạt chuẩn tối thiếu 7.5/10), IELTS chỉ vỏn vẹn 6.5 (khi xin học bổng), chưa đến 1 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với học bổng (mình khi đó là cán bộ hợp tác quốc tế của Đại học Sư phạm Huế), có 2 bài báo nghiên cứu khoa học về kĩ năng viết báo khoa học cho sinh viên và 1 thư giới thiệu từ nhà trường. Hi vọng khi đọc tới đây, mình đã truyền lửa cho vô số người lỡ có GPA “ẹ” như mình.

Thế thì tại sao mình lại đậu được học bổng này? Mình sẽ chỉ rõ các tiêu chí mà mình thấy là đã góp phần làm cho mình thành công:

Thứ nhất, tìm đúng học bổng! Trên thực tế, các bạn phải chấp nhận sự thật rằng chữ “học bổng” có 50% là “học”. Nghĩa là, không ít thì nhiều, GPA vẫn là một yếu tố mang tính quyết định (dù ít hay nhiều, tùy học bổng). Khi ta có GPA thấp, hãy tìm kiếm trên mạng những học bổng chấp nhận mức GPA thấp như thế (tìm kiếm bằng cụm từ “học bổng GPA …) và mức IELTS không cao quá (6.5 hay 7.0 trở xuống chẳng hạn) và đặc biệt là lưu ý các học bổng nhà nước – những học bổng ít đòi hỏi điểm GPA nhất. Tìm đúng học bổng còn có nghĩa là các bạn phải nghiêm túc với nghề nghiệp đang làm của mình. Bởi lẽ, học bổng kiểu này thường đánh mạnh vào kinh nghiệm làm việc đúng (hoặc tương đối đúng) ngành nghề.

Khi nói đến kinh nghiệm đúng ngành nghề với học bổng nhà nước thì đồng nghĩa với khả năng các bạn phải “hi sinh” yếu tố kinh tế (lương bổng) để làm ở một cơ quan nhà nước là rất cao. Thứ hai, là các bạn sẽ không được như các bạn “ưa nạp lúc nào thì nạp, miễn đủ giỏi” mà phải chờ đủ năm kinh nghiệm, xin được thư của cơ quan có đóng giấu, v.v… Nói tóm lại, việc hi sinh thời gian dài hơn và khả năng phải tạm gác yếu tố kinh tế lại có khả năng sẽ là không tránh khỏi.

Thứ hai, không được nản! Nghe thì có vẻ giáo điều, nhưng thật sự, các bạn hãy hiểu rằng không ai rảnh để trao tiền, cho tiền tiêu, miễn phí tiền học cho một người ưa cứ xin học bổng nào cũng đậu dễ dàng. Xin học bổng rớt là chuyện bình thường, và quan trọng là các bạn phải “rút kinh nghiệm sâu sắc” bằng cách rà soát lại tại sao mình lại rớt, chứ không phải là nhận kết quả xong xóa email, ngồi khóc. Kiên nhẫn, ngay cả trong quá trình tìm và xin học bổng cũng là một yếu tố bắt buộc. Các bạn hãy quên ngay việc vào một trang web, thấy tất cả mọi thứ mình cần từ một học bổng nào đó, và chỉ nạp khoảng 4 đến 5 tài liệu gì đó rồi rung đùi ngồi chờ học bổng là xong. Mình cam đoan 100% không có học bổng nào như thế cả. Bạn phải bỏ thời gian nghiên cứu học bổng, lục tung các trang của nó, các cựu học sinh của nó ở Việt Nam để nhờ giúp đỡ và phân chia thời gian để chuẩn bị hồ sơ (thường là khoảng 1 tháng liền).

Thứ ba, kĩ năng thiết lập mạng lưới quan hệ (networking) của các bạn PHẢI TỐT HƠN các bạn GPA siêu cao, IELTS siêu giỏi như mình nói ở trên rất rất nhiều. Để làm gì vậy? Thứ nhất, là để khi có học bổng, các bạn có ít nhất hai người sẵn sàng viết thư giới thiệu (100% các học bổng toàn phần và gần toàn phần đều đòi thư giới thiệu). Thứ hai, là để các công việc và qua trình xin giấy tờ của các bạn nhanh chóng hơn. Nó có nghĩa là các bạn phải networking với không chỉ mỗi những người mình thích đi chơi cùng mà còn là những mối quan hệ ở cơ quan, ở các cơ quan xử lý giấy tờ (nhưng là quan hệ đàng hoàng đấy nhé, không phong bì phong bao gì đâu).

Thứ tư, hãy gây ấn tượng mạnh với những người bạn nhắm làm người viết thư giới thiệu cho mình và làm việc với 100% sức lực của mình. Cá nhân mình đánh giá thư giới thiệu (Letter of Recommendation) và bài luận cá nhân (Statement of Purpose/ Letter of Motivation) là hai điều chính yếu giúp mình đậu học bổng vừa rồi. Để có hai thứ này thật hoàn hảo, các bạn cần áp dụng quy trình: học tốt thực chất => gây ấn tượng => hỏi để xin làm người viết thư cho mình (xin đồng ý trước thôi) => làm việc cật lực => liên lạc thường xuyên => xin thư => nhờ thầy viết thư giới thiệu và tự viết khi có học bổng => lên mạng tham khảo (tuyệt đối không sao chép nhé) mẫu (tìm kiếm đúng ngành nghề của mình bằng tiếng Anh) => rà soát lại lần cuối lỗi chính tả, câu cú và chỉnh sửa => nạp.

Thứ  năm, hãy hi sinh gấp 2, thậm chí gấp 3, gấp 4 lần những bạn GPA siêu cao, IELTS siêu giỏi như mình nói ở trên. Các bạn hãy chấp nhận thực tế là chúng ta đã “sai lầm” khi GPA thấp, khi IELTS chưa cao. Chúng ta phải à cày kinh nghiệm rất tốt để các thầy cô vui lòng viết thư giới thiệu cho chúng ta. Chúng ta không thể học bổng nào cũng nạp vì sẽ có những học bổng yêu cầu GPA cao hơn chúng ta có, nên hãy tìm kiếm học bổng nhiều hơn người khác (như mình là hằng ngày đấy). Đặc biệt, hãy hi sinh cảm xúc “sợ rớt” của bạn. Hãy mạnh dạng nạp. Sologan của mình là “Tìm 100, Tìm hiểu 10, nạp 5 và chỉ cần đậu 1”.

Ngoài những yếu tố mình vừa kể trên. Mình cũng muốn đưa lời khuyên cuối cùng cho các bạn rằng, IELTS là yếu tố về “điểm” duy nhất mà bạn có thể thay đổi, vậy nên hãy cải thiện nó càng sớm càng tốt và trên hết, đừng xem thường GPA với suy nghĩ “hoạt động tình nguyện và học hành thực chất mới quan trọng”. Thực chất đúng là rất quan trọng, nhưng nó không có nghĩa là GPA không có một kí lô sức nặng nào đâu nhé!