Bạn thấy mình năng động, hoạt ngôn nhưng hình dung về ngành truyền thông vẫn còn khá mơ hồ? Vậy đây chắc chắn là bài viết dành cho bạn.

Ngành truyền thông rất rộng lớn và có tính ứng dụng thực tế cao, gồm các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực: báo chí (Journalism), truyền thông thực hành (Communication practice), phương tiện truyền thông (Media) và nghiên cứu (Communications Studies)

Đây là một ngành học đa dạng bao gồm sự tìm hiểu của các nhà khoa học xã hội, nhân văn, và các học giả nghiên cứu văn hóa và phê bình. Công việc của ngành này nhằm mục đích kết nối đến đối tượng chính thông qua phỏng vấn trên báo chí, sắp xếp các cuộc họp báo và các sự kiện, tạo web hoặc tạo các lá thư gửi khách hàng (Newsletter)

Một số yêu cầu của ngành: kỹ năng viết, nói và trình bày tốt; có khả năng tổ chức tốt, định hướng chi tiết; quyết đoán và dễ dàng có những lời nói đi vào lòng người. Khiếu tiếp thị cũng được coi là một điểm mạnh.

Các nhóm lĩnh vực chính của ngành

Nhóm 1: Báo Chí (Journalism)

Nhắc đến truyền thông, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ngành báo chí bởi đây là nhánh ngành có lịch sử phát triển lâu đời nhất trong ngành truyền thông, tuy nhiên báo chí chỉ là một phần trong lĩnh vực này.

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của họ là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, thậm chí là mỗi giây.

 

Nhóm 2: Truyền thông thực hành (Communication practice)

Nhóm ngành truyền thông thực hành chủ yếu học ra để đi làm, trên thực tế còn được chia thêm nhiều nhóm nhỏ nữa như: Public Relations (PR) – Corporate Communication (Truyền thông doanh nghiệp, bao gồm truyền thông hướng ngoại và truyền thông nội bộ) – Non-profit Communication (Truyền thông mục đích phi lợi nhuận)

Ngành truyền thông PR (hay còn biết tới với cái tên “marketing truyền thông” - marketing communication, hoặc “chiến lược truyền thông” (strategic communication) là nhánh ngành chuyên làm việc với báo chí (khác với làm event, làm quảng cáo) tức là làm việc thực hành, giúp cho các bên hiểu nhau thông qua các chiến lược, kế hoạch truyền thông. Gồm:

  • Truyền thông doanh nghiệp (corporate communication) phục vụ mục đích của doanh nghiệp, tổ chức trong việc thay đổi thói quen người tiêu dùng, truyền thông về sản phẩm, dịch vụ,... có tính chất thương mại
  • Truyền thông phi lợi nhuận (non-profit communication) - truyền thông cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs), truyền thông về văn hóa, chính sách, thay đổi nhận thức của người xem

Corporate communication đã xuất hiện và phát triển khá mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên, non-profit communication thì vẫn còn rất mới, ngành này không chỉ làm cho các NGO, các tổ chức bảo trợ xã hội mà còn mở rộng ra là truyền thông văn hóa (cultural communication) cho các tổ chức về văn hóa (đại sứ quán, trung tâm văn hóa các nước…), communication for public sector, làm cho nhà nước (truyền thông chính sách)

Một ví dụ trên sẽ cho bạn thấy DAAD (Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức) thúc đẩy thu hút sinh viên quốc tế tại nhiều quốc gia theo học tại Đức thông qua 1 dạng truyền thông phi lợi nhuận như thế nào: https://www.youtube.com/watch?v=Ip5yoK9XbuE

Hoặc video truyền thông giới thiệu về việc học tập tại Thụy Điển, được xây dựng dựa trên những từ khóa thu hút sinh viên quốc tế sau cuộc phỏng vấn với hơn 100 sinh viên đang theo học tại quốc gia này: https://www.youtube.com/watch?v=h2ioqcEdPqI

 

Nhóm 3: Phương tiện truyền thông (Media)

Đây là nhóm ngành sử dụng các công cụ máy ảnh, máy quay phim, máy tính, các thiết bị, kênh truyền thông kỹ thuật số để dựng nên các sản phẩm truyền thông. Bạn có thể hình dung các chương trình đào tạo chuyên về Media là học cách để tạo ra một bộ phim (có thể là phim tài liệu dạng báo chí hoặc là phim truyện bình thường, MV ca nhạc, TVC quảng cáo…) hoặc phát triển các đồ họa (như infographic…)

Nếu nhóm 1 nhóm 2 tập trung phát triển nội dung (Content Marketing), kênh và chiến lược triển khai thì nhóm 3 là tập trung về cách thức triển khai cho các nội dung đó, đồng thời cũng rất cần sự bay bổng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, thu hút.. Một số vị trí công việc trong ngành này như: Designer, Motion Graphic Designer, Creative Content,…

 

Nhóm 4: Nghiên cứu (Communications Studies)

Đây là ngành nghiên cứu nên khác với các nhóm trên, người làm lĩnh vực này không trực tiếp tạo ra các sản phẩm truyền thông, công việc của nhóm này là quan sát các hiện tượng xã hội chịu tác động bởi ngành truyền thông, sau đó sẽ tìm kiếm các tài liệu liên quan tùy theo từng ngành (báo chí, truyền thông văn hóa, truyền thông chiến lược, truyền thông phát triển, truyền thông sức khỏe, truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông tâm lý, truyền thông nghệ thuật…) để tìm ra tất cả các lý thuyết, nghiên cứu liên quan. Sau đó, những nhà nghiên cứu truyền thông sẽ áp dụng vào cộng đồng, xã hội để tìm ra kết luận cho bài nghiên cứu của mình.

Đây là một công cuộc xây dựng nền tảng cho truyền thông bằng nghiên cứu vô cùng quan trọng là nền móng cho nhóm ngành truyền thông thực hành (Communication practice). Tại các đất nước có ngành truyền thông phát triển và số lượng báo chí khổng lồ như Mỹ và Hàn Quốc, đều có điểm chung là nơi tập trung rất nhiều các trung tâm nghiên cứu truyền thông.