Tôi biết Hoa từ ngày mới tốt nghiệp đại học, cùng làm việc tại cơ quan. Còn trẻ nhưng Hoa xác định rất rõ ràng, “em sẽ tự mình đi học thạc sỹ ở Đức và phát triển bản thân mình”. Ngày tôi cùng nhóm bạn đi trải nghiệm các thành phố Tây Đức, tôi mới thấy tận mắt hành trình của Hoa, trường ở khu vực đồi núi (Siegen), mỗi ngày đi bộ hàng cây số đến bến xe bus để vào trung tâm thành phố mua sắm. “Ở thành phố này cảnh thì đẹp thật, con người cũng ấm, nhưng không được tấp nập, buồn lắm anh ơi. Ngày nào cũng nhìn cỏ cây hoa lá. Nhưng chính thế em sẽ nỗ lực không ngừng”. Tập trung cao độ vào học tập, Hoa đạt top 5 của khóa trong năm đầu tiên, và liên tiếp nhận được thư mời thực tập tại các tập đoàn lớn trong năm học thứ 2 khi vẫn còn chưa tốt nghiệp.

Câu chuyện của Tuấn lại hơi khác. Tốt nghiệp NEU, vào SG làm việc, Tuấn quyết định sang Đức tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp. Ngày tôi sang Leipzig, tôi đặc biệt ấn tượng bởi ông bạn cùng trường cực kỳ nhiệt huyết và luôn hỗ trợ mọi người. Xuất thân từ dân KPMG, sống rất giản dị trong căn phòng chưa đến 20m2 ở tầng 1 ký túc xá cho học viên ĐH Leipzig, không ngại khó - không ngại khổ làm đủ mọi việc, cuối tuần đi dọn vệ sinh ở nhà máy BMW. “Tôi quyết tâm phát triển ở Đức, sau đó kết nối với VN, nên bằng mọi giá phải tự kiếm sống được, ngại gì cậu ơi”. Chắc vì tinh thần như thế mà Tuấn rất sành sỏi mọi việc ở Leipzig chỉ sau 6 tháng sinh sống.

Khác với Tuấn và Hoa, Linh lại có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Cô bạn “siêu cao thủ”, chuyên gia đứng đầu lớp và khoa từ hồi cấp 3 cho đến đại học. Linh không thích về kinh tế hay kinh doanh, mà có 1 yêu thích đặc biệt với Nghiên cứu Phát triển (Development Study). Linh nhận học bổng toàn phần tại ngôi trường danh giá của Bỉ, và có một đặc điểm ai cũng ước mơ: đi du học - học bổng - trải nghiệm thế giới bên ngoài với người yêu (sau này là người chồng) của mình. “Xin học bổng không dễ đâu anh ơi, cày cuốc, bầm dập và cả một hành trình dài”. Chính trải nghiệm quý giá của tuổi trẻ càng giúp Linh tiếp tục truyền lửa cho rất nhiều học viên khác sau này.

Nhiều bạn trẻ luôn cố bám những con đường nhiều người chọn, nhưng trong số đó không có Khánh. Thay vì săn học bổng bậc Đại học tại Mỹ, Khánh chọn một con đường khác: săn học bổng bậc phổ thông, du học từ lớp 12, sau đó tiếp tục apply học bổng lên đại học. “Em không có background xịn, cũng không phải học sinh giỏi, vì thế em quyết định chọn con đường khác với mọi người, nơi tỷ lệ thành công sẽ cao hơn” - chủ nhân học bổng gần $80,000 / năm tại trường phổ thông Orme, Hoa Kỳ - chia sẻ. “Khi các bạn còn đang chơi, em quyết tâm dồn lực để bước nhanh chân hơn trên con đường sự nghiệp, vì em biết không có con đường nào trải hoa hồng”.

Cũng chọn du học từ bậc Đại học, Hải Châu luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của sinh viên, các trang báo thanh niên, tìm hiểu không ngừng các hội thảo du học. Giấc mơ đạt được khi Châu nhận được học bổng từ trường ĐH Tsukuba, top 10 trường Đại học Quốc lập của Nhật Bản. Nhưng không dừng lại ở đó, Châu xác định du học để phát triển mạng lưới, phát triển bản thân. Cô gái trẻ hơn 20 tuổi không ngại vất vả, xác định định hướng rất rõ ràng, vừa học vừa thực tập tại một startup công nghệ, apply gần 20 hội thảo quốc tế trong 1 năm. “Khi mọi người nhìn thấy một kết quả, không ai biết người ấy đã trải qua bao khó khăn như thế nào. Đam mê của em là khám phá, thử sức, vẫy vùng, và em tìm mọi cách để sống một tuổi trẻ đầy ý nghĩa”.
….
Không phải không có lý do mà rất nhiều du học sinh thành đạt khi tốt nghiệp hoặc quay về nước. Họ luôn có một điểm chung, xác định rõ con đường của mình và luôn nỗ lực để đạt được điều ấy. Du học với họ, không phải là một xu thế hay sở thích, mà đó là sự đầu tư lớn, trải nghiệm vô giá, mở cửa nhân quan của mình về thế giới. Chính điều đó giúp họ luôn vững bước, vượt qua mọi khó khăn ngay từ sự khác biệt, cô đơn, lạc lõng nơi xứ người. Thành công không hề tự nhiên mà có.