Một vài năm gần đây, người ta bắt đầu tìm đến Phần Lan nhiều hơn như một quốc gia có nền giáo dục nhẹ nhàng, cởi mở và hiệu quả. Và nhất là vì cuộc sống yên bình và hiện đại của một quốc gia Bắc Âu phát triển. Đi kèm với chất lượng sống cao, giá cả ở đây cũng thuộc loại cao hơn so với mặt bằng chung châu Âu một chút (giá các mặt hàng thường đắt gấp rưỡi ở Đức hay ở Pháp). Vậy, trung bình một du học sinh Phần Lan tiêu mất tầm bao nhiêu một năm, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

1. Chi phí học tập

Riêng chuyện không mất học phí đã tiết kiệm được cho sinh viên nỗi lo lớn nhất rồi. Đây là điểm cộng rất lớn của nền giáo dục Phần Lan – bình đẳng kiến thức cho mọi người. Vậy còn ở trường thì sao? Trên lớp, trong các giờ giảng, các thầy cô thường chuẩn bị sẵn tài liệu phát cho sinh viên. Hầu hết các tài liệu đầy đủ nhất đều ở dạng bản mềm, tức là file trên máy tính, bạn có thể in ra hoặc download về học cho tiết kiệm giấy bảo vệ môi trường. Đầu mỗi năm học trường sẽ phát cho bạn một lượng giấy nhất định trong tài khoản sinh viên để in (và thường thì bạn sẽ chẳng bao giờ dùng hết). Đi học thì phải đọc sách đúng không? Thường thì những sách thầy cô yêu cầu bạn có thể tìm thấy ở thư viện trường hoặc thư viện thành phố, tuy nhiên với một vài sách khó kiếm, thầy cô sẽ đưa nguồn hoặc bạn có thể tìm ebook trên mạng. Một vài môn học trường có sẵn sách (soạn theo giáo án của trường) thì bạn sẽ cần mua. Với một số môn học chuyên ngành, bạn hoàn toàn có thể đầu tư vài quyển sách tâm đắc dùng lâu dài. Nói chung, sự học vô bờ, sách thì biết bao nhiêu cho đủ. Ước lượng chi phí: 40eu/năm

2. Tiền nhà

Ở Phần Lan, sinh viên thuê nhà theo dạng nhà ở cho sinh viên do tổ chức sinh viên hô trợ, hoặc thuê của công ty nhà hay thuê của tư nhân. Giá nhà dao động từ khoảng 200-400eu/phòng/tháng, tùy vào chất lượng nhà, vị trí nhà hay tùy vào thành phố đó có lớn không (càng lên phố nhà càng đắt). Ở những thành phố sinh viên nhỏ như Mikkeli hay Kymenlaksoo, với khoảng 300e/tháng là bạn đã có một căn phòng rất tươm tất rồi. Trong khi đấy ví dụ như ở Helsinki đất chật người đông, chuyện nhà cửa rất vất vả, cũng với 300e (nếu may mắn) bạn được một phòng tạm được ở cách trung tâm khoảng nửa tiếng đi tàu. Thủ đô Helsinki, nơi đông sinh viên nhất Phần Lan, có một trung tâm nhà cho sinh viên toàn khu vực Metropolitan (bao gồm Helsinki và 2 vùng lân cận) là Student Housing in the Helsinki Region (Hoas). Nhà của Hoas giá khá ưu đãi, từ 200-300eu, nên lúc nào cũng "cháy hàng". Còn không, thuê nhà ngoài ít nhất cũng 400-500e/tháng. Văn hóa sub-rent (cho thuê lại nhà) của Hoas, do vậy, cũng là đặc sản của Helsinki. Nếu không muốn/ không thuê được phòng riêng thì bạn có thể thuê một căn hộ rồi rủ bạn bè vào sống cùng, cũng là một dạng phổ biến. Ước lượng chi phí: 3000eu/năm

3. Tiền ăn

Cái này cũng là một dạng vô cùng, vì có người ăn nhiều có người ăn ít. Có bạn nữ ăn chỉ hết 40eu/tháng, có bạn nam ăn… thôi cái này không nói nữa. Phần Lan không phải là quốc gia có ẩm thực phong phú và dễ chịu lắm. Hầu hết du học sinh Việt Nam qua đây đều rất nhớ đồ ăn quê nhà. Bên này đồ châu Á thì cũng có nhưng không nhiều và toàn đồ đông lạnh. Bù lại những đồ Tây như bánh mì trứng sữa cá hồi rau củ thì rất rẻ và ngon. Hầu hết du học sinh đều tự nấu ở nhà cho tiết kiệm, và nếu chịu khó, bạn hoàn toàn có thể tự học làm bánh và nấu các món Việt Nam cho đỡ nhớ. Ước lượng chi phí: 1200eu/năm

4. Tiền đi lại (optional)

Nếu bạn sống ở thành phố nhỏ, bạn hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp. Nhưng nếu sống ở thành phố lớn (Turku, Tampere,vv), bạn chắc chắn cần di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Ví dụ như ở Helsinki, thẻ đi lại cho sinh viên 1 tháng cho 2 vùng (khá phổ biến nếu trường bạn không thuộc nội thành Helsinki) là 50e. Ước lượng chi phí: 600eu/năm

5. Tiền sinh hoạt

Các món lặt vặt nho nhỏ như sữa tắm, cái giẻ lau nhà hay tiền Internet, vv. cũng tiêu tốn của bạn một khoản. Tạm tính tầm 30e/tháng. Ước lượng chi phí: 360eu/năm

6. Các chi phí thủ tục hành chính

Hàng năm thì bạn sẽ phải gia hạn visa hoặc xử lý một vài việc liên quan đến ngân hàng, cảnh sát, bưu điện, hay nếu bạn đi làm thì còn yêu cầu từ phía công ty. Hay khi bạn đi du lịch, đi exchange/intern ở một nước khác, bạn cũng phải mất phí cho visa sang nước đó (nếu được yêu cầu). Ước lượng chi phí: 400eu/năm

7. Sở thích cá nhân + các chi phí phát sinh

Bạn thích chụp ảnh và vừa mua Canon 5D MarkIII? Bạn nghiện mỹ phẩm và vừa có 5 thỏi son mới tháng này? Hay bạn quyết tâm học tiếng Phần và vừa đầu tư một khóa Intensive Finnish 2? Well, khoản này thì còn vô cùng hơn tiền ăn nữa, nên xin phép không thống kê trong cuối bài. (Đấy là còn chưa kể tiền shopping và tiền du lịch nhé.) À, còn một thứ nữa mà tôi gọi là "ngu phí". Đấy là "tiền đóng học" cho những lần nhỡ tàu xe, mất thẻ, sập cửa quên chìa khóa trong phòng phải gọi janitor đến mở, hay mua hớ đồ,…vv. Cái khoản này thì càng về sau càng ít dần đi, nhưng thể nào cũng có. => Tổng chi: Khoảng 5600eu/năm cho những chi phí tối thiểu . Vẫn ít hơn con số 6720eu mà bạn phải chứng minh tài chính hằng năm. Vậy, làm thế nào để bạn giảm bớt gánh nặng này (dù nhẹ hơn rất nhiều đi Anh đi Mỹ rồi)? Câu trả lời là đi làm. Hãy đón xem kì sau, "Cơ hội việc làm của sinh viên châu Âu" để có cái nhìn bao quát nhất.