Là dân Du học, lần gần nhất bạn gặp một người đồng lứa say mê nói về công việc mình đang làm, là khi nào?

Câu chuyện của Ngô Minh Hoàng - 24 tuổi, từ Vũng Tàu ra Hà Nội lập nghiệp, rất gần với phần đông chúng ta.

6 năm xa nhà là quãng thời gian đủ dài, để bạn thấy mình lạc lõng khi trở về Việt Nam lập nghiệp. Xa nhà từng ấy năm, Hoàng đã làm gì, để sau 2 năm ngắn ngủi, vươn lên trở thành hạt giống tài năng của Ngân hàng TMCP uy tín top 2 Việt Nam?

Chúng tôi gặp Hoàng một buổi chiều tháng 5 Hà Nội "không nắng", cuộc cafe tán gẫu của 3 người mang tới nhiều cảm xúc sôi nổi. Sinh năm 1991 tại Vũng Tàu. Hoàng du học từ năm 18 tuổi, chuyên ngành Quản trị tài chính (Financial Management) tại Phần Lan. Anh học tiếp lên Thạc sĩ ngành Phân tích tài chính tại Úc.

6 năm du học xứ người, trải nghiệm cuộc sống 2 châu lục tiên tiến nhất, hiển nhiên Hoàng là gương mặt sáng giá với profile hàng top. Không ai nghĩ anh sẽ gặp khó khăn khi tìm một công việc ưng ý tại Việt Nam. Tuy nhiên, có những chuyện chỉ du học sinh với nhau mới hiểu. Tấm bằng nước ngoài danh giá, không đảm bảo cho bạn một chỗ đứng vững chắc nơi quê nhà.

Thị trường Việt Nam với những quy tắc vận hành “một mình một đường” thường không được tìm thấy trong bất kỳ giáo trình đại học nào. Dù bạn có học bậc Thạc sĩ hay Tiến sĩ cũng vậy. Đặc biệt trong lĩnh vực Tài chính Ngân Hàng. Thiếu kiến thức thực tế, va chạm ít, dẫn tới yếu kỹ năng nơi công sở chỉ là 2 trong số rất nhiều thách thức mà một Cựu du học sinh (Alumnus) như Hoàng phải đối mặt.

Dù sao thì, Hoàng có điểm mạnh và cũng may mắn hơn nhiều người chúng tôi từng tiếp xúc. Anh biết mình thích gì, muốn làm gì. Ngay từ khi về Việt Nam, Hoàng đã xác định rõ, ngành Tài chính là nơi hấp dẫn nhất với mình. Đó có thể là may mắn chăng, khi mà 3/4 số người tôi có vinh dự phỏng vấn, đều nói rằng họ thậm chí còn chưa biết mình nên làm gì sau quá trình du học.

Tất cả chúng ta, có lẽ đều mắc chung 1 căn bệnh thế kỷ, thiếu định hướng. Hệ thống giáo dục phổ thông không hề nhắc tới Hướng Nghiệp hay Kỹ năng công việc, đào tạo ra 1 lứa thanh niên nhiều hoài bão khát khao, thiếu kỹ năng và mất định hướng. 5 năm trước, nếu tôi biết thật sự mình muốn và chọn nghề Marketing, có lẽ con đường đi của tôi đã khác.

Khi nghe tôi nói về chuyện bản thân pha lẫn chút ghen tị với may mắn của anh, Hoàng chỉ cười trừ. Với anh, may mắn đó cũng không giúp được gì. Vì sau 6 năm xứ người, anh không có một network, mối quan hệ nào, để giúp anh có được dù chỉ là một mẩu thông tin xác tín, về cơ hội trong mảng Nguồn Vốn tại ngân hàng.

Cuối cùng, Hoàng chấp nhận “làm tạm” tại một startup công nghệ rất lớn khi ấy. Anh cho rằng, dù sao vẫn phải làm một thứ gì đó, còn hơn là ngồi không một chỗ chờ sung rụng. 6 tháng sau, Hoàng nghỉ việc, và trong đầu chưa có phương án back-up nào. “Mình không thể làm một công việc mà mình không yêu thích, trái với đam mê của bản thân.” Hoàng cười, điệu cười có chút hài lòng vì cuối cùng, anh đã tìm được việc mình thích chăng? - Tôi hỏi. Hoàng lắc đầu, anh nói tôi nghe, tính cách anh là vậy, đi học 6 năm với ngành tài chính, không thể không yêu nó được. Nếu giờ anh bắt đầu lại với 1 lĩnh vực khác, anh còn tốn thời gian hơn rất nhiều. Kể cả khi xin nghỉ, anh cũng không rõ mình có thể tìm được một công việc như ý, anh dừng lại, để mình có thời gian suy nghĩ và đưa ra bước đi đúng đắn hơn.

Hà Nội đâu vội được đâu - tôi thấy khá đúng với trường hợp này.

Có thời gian nghỉ ngơi, Hoàng nghĩ mình có nhiều lựa chọn hơn, từ Kiểm toán Big4, Bảo hiểm, Chứng khoán cho tới Ngân hàng. Nghề tài chính quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng nấy lựa chọn. Mỗi bên đều có cái hay và dở của nó.

Techcombank là cái tên thoáng hiện lên trong tâm trí của Hoàng, mẫu quảng cáo màu đỏ đặc trưng khiến anh chú ý khi đang tìm kiếm trên mạng. Với anh, nếu có làm ngân hàng, anh sẽ chọn một đơn vị doanh nghiệp Cổ phần, ít nặng tính máy móc hơn các ngân hàng nhà nước. Dù khi đó, tứ đại gia ngân hàng nhà nước như VietinBank, AgriBank, BIDV, Vietcombank đang được đồn đoán là giấc mơ của mọi banker, Hoàng vẫn quyết định Alumnus như mình cần một môi trường phù hợp để những giá trị tốt nhất của Du học sinh được phát huy.

Chưa kể, Nguồn vốn luôn hot, riêng khối Nguồn vốn Techcombank thì Hoàng nghe nói mạnh nhất nhì tại Việt Nam, không phải dễ dàng có cơ hội được làm ở vị trí này. Cứ thử thôi, Hoàng nộp đơn và qua được 3 vòng đầu tiên. Là một trong những ứng viên ở xa nhất, anh được đặc cách phỏng vấn sơ tuyển qua skype, làm các bài test online.

Tuy nhiên đến vòng quyết định: Hội đồng phỏng vấn trực tiếp, anh buộc phải lựa chọn: tự mua vé ra Hà Nội để thử vận may này, hay ở lại Sài Gòn sôi động và thử sức công việc khác. Sáng mai là buổi phỏng vấn, Hoàng đã mặc định chọn phương án thứ 2.

Nhưng chuyện chưa dừng ở đây, cuộc điện thoại bất ngờ trưa hôm ấy đã thay đổi hoàn toàn quyết định của Hoàng. Anh bắt chuyến ngay trong đêm ra Hà Nội để sáng hôm sau phỏng vấn. Thật tò mò, chúng tôi gặng hỏi lý do.  Chuyện là chị Hằng - phòng HR của Techcombank đã thuyết phục Hoàng thành công, với một lời hứa, rằng “Vào đây, các Fast Tracker sẽ được đào tạo và dẫn dắt trực tiếp bởi các chuyên gia nước ngoài xịn đầu ngành Tài chính”.

Thật sự là cơ hội lớn như vậy là rất hiếm hoi. Và không mất nhiều thời gian để Hoàng thấy quyết định chớp nhoáng đó rất chính xác. “Trong khi phỏng vấn mình thật sự càng thấy thích công việc này. Khi được các bác chuyên gia nước ngoài hỏi những câu rất sâu về kiến thức tài chính, mình thấy rất vui vì đây chính là những điều mình đang thật sự muốn học hỏi và trau dồi.

Và nếu mentor chính là các bác, thì không còn gì tuyệt vời bằng”, Hoàng kể lại với cảm xúc hồ hởi như thể anh vừa rời khỏi buổi phỏng vấn năm đó vậy. Rất nhanh, Hoàng biết kết quả ngay ngày hôm sau. Và thế là anh hào hứng thu xếp để 2 tuần sau ra Hà Nội bắt nhịp với công việc mới. Và mọi thử thách thật sự mới chỉ là bắt đầu... (phần 2 ra sao…, hồi sau sẽ rõ)