Những điều bất ngờ trong cuộc sống luôn là thử thách để tôi luyện bản lĩnh của một con người và bước khởi đầu khó khăn cũng trang bị cho tôi những kinh nghiệm đầu tiên trên con đường đặt chân tới đất nước cối xay gió. Tôi mong rằng những kinh nghiệm này của tôi có thể phần nào giúp ích cho bạn đồng thời trở thành nguồn cảm hứng giúp các bạn tự tin và sẵn sàng đi du học.

Alumni Nguyễn Thu Trang

Thạc sĩ Nhân sự học Đại học Tilburg, Hà Lan

Học bổng sinh viên xuất sắc Đại học Tilburg, Hà Lan

Du Học Hà Lan

Vạn sự khởi đầu nan

Ước mơ đi du học Hà Lan có trong tôi từ những năm tháng còn là học sinh trung học phổ thông . Tôi muốn được đặt chân đến những vùng đất mới với những trải nghiệm mới lạ, muốn được kết bạn với nhiều sinh viên quốc tế và khám phá những nền văn hóa khác nhau. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi lỡ hẹn với giấc mơ du học Hà Lan và chọn Đại học Hà Nội, nơi dạy tôi những thứ không chỉ kiến thức mà còn nhiều hơn thế.

Cách chủ động trong cuộc sống và học tập

5 năm học và 2 năm đi làm đã mang đến cho tôi nhiều kinh nghiệm và cách nhìn chín chắn hơn về cuộc sống. Khi còn trên giảng đường đại học, tôi đã mày mò học cách dùng mindmap để hệ thống kiến thức tốt hơn và tiết kiệm thời gian học tập.

Nhờ quyết tâm và chăm chỉ học hỏi, tôi có kết quả học tập xuất sắc, một trong những thứ khiến hồ sơ du học được đánh giá cao. Đến khi đi làm, tôi thực sự hiểu ra giá trị và sự vất vả để kiếm được những món tiền bằng công sức của chính mình. Chính vì vậy, tôi chi tiêu tiết kiệm hơn, dành dụm cho những dự định lớn của mình, một trong số đó là giấc mơ du học ngày nào tôi vẫn chưa hề từ bỏ.

Cách tìm kiếm cơ hội cho bản thân

Khoảng thời gian ở Việt Nam cũng làm tôi nhận ra giá trị của những cơ hội mà tôi phải cố gắng dành lấy. Tôi hăng hái tham gia các hoạt động của trường và của khoa như hoạt động tình nguyện, hỗ trợ du học sinh. Tôi để mắt tìm kiếm các khóa học trao đổi sinh viên và được trao học bổng đi trao đổi sinh viên sáu tháng tại Singapore.

Với tôi, đây có lẽ là sự chuẩn bị hoàn hảo nhất về kỹ năng cũng như cách thích nghi với cuộc sống mới trước khi tôi tham gia một khóa học dài hạn ở nước ngoài đồng thời cũng là những thành tích đáng kể giúp hồ sơ xin học Thạc sĩ của tôi cân bằng và hấp dẫn hơn.

Những mối quan hệ quý giá

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội, tôi tiếp tục tham gia làm việc tại trường. Một phần công việc của tôi là đón tiếp các đoàn sinh viên trao đổi từ Mỹ và cùng họ tham gia khóa đào tạo tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hôi để tôi được gặp mentor của mình – cựu giám khảo chương trình học bổng Fulbright.

Tôi may mắn được cô giúp đỡ rất nhiều trong quá trình làm hồ sơ ứng tuyển học bổng. Cô đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và lời khuyên trong cách viết bài luận cũng như cách chuẩn bị CV. Cô còn dành thời gian chữa từng lỗi nhỏ trong bài luận mà tôi viết. Quan trọng hơn cả, cô mang đến cho tôi nguồn động lực lớn giúp tôi tự tin, quyết tâm cạnh tranh trong chặng đua khốc liệt dành học bổng du học.

Năm 2012, tôi ứng tuyển học bổng Fulbright để đi học tai Mỹ - nơi có nền giáo dục bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, tôi bị từ chối do thiếu kinh nghiệm làm việc (năm đó học bổng Fulbright yêu cầu ứng viên có 3 năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian).

Kết quả tiếp tục lặp lại trọng năm tiếp theo tôi ứng tuyển Fulbright do tôi chọn ngành học không phù hợp với những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã có.

Năm 2014, tôi có cơ hội tham gia chương trình "Tàu sinh viên Đông Nam Á"(SSEAYP) và dành toàn bộ thời gian 5 tháng cho hoạt động này. Một điều không may là thời điểm kết thúc SSEAYP cũng là lúc hết thời hạn ứng tuyển của các học bổng chính phủ. Tôi có phần lạc hướng và nhụt chí, đặt toàn bộ niềm tin vào học bổng từ các trường của Hà Lan – mục tiêu mới thỏa mãn cả mong muốn học tập và sở thích du lịch của tôi.

Tôi ứng tuyển học bổng của trường đại học Tilburg nhưng chỉ nhận được thư từ chối từ phía nhà trường. Tôi buồn ,thất vọng và có phần mất tự tin nhưng vẫn quyết tâm đặt chân tới Hà Lan dựa vào số tiền tích tũy được khi đi làm và gia đình hỗ trợ một phần. Thêm vào đó, tôi biết rằng sang Hà Lan, tôi vẫn có thể làm thêm. Điều quan trọng nhất là tôi hiểu được bản thân mình muốn gì, đam mê điều gì và quyết tâm ra sao để làm được điều đó.

May mắn thay, một tuần sau trường gửi lại thông tin tôi chính là người nhận được học bổng sinh viên xuất sắc của trường. Thông tin này lại càng tiếp thêm sức mạnh để tôi sẵn sàng đi du học.

Xem thêm các bài viết khác liên quan đến học bổng trên Ella

Du học mang đến cho tôi những trải nghiệm và những bài học quý giá

Chuyện nhà cửa: Đặt chân tới Hà Lan, tôi được các bạn Việt Nam ra ga tàu đón và đưa về nơi ở là một phòng trọ nhỏ trong một căn hộ cho thuê chung chỉ có mình tôi là sinh viên Việt Nam. Tôi không thấy hoang mang về điều này vì đơn giản, điều tôi mong muốn là được trải nghiệm cuộc sống và không gian sống của một quốc gia châu Âu thực sự, nơi tôi được nói tiếng Anh cả ngày thay vì tiếng Việt.

Ngôi nhà nhiều kỷ niệm này cũng là nơi dạy cho tôi về cách sống. Tôi hiểu hơn cách để hòa hợp với những con người ở những nền văn hóa khác nhau, cách đặt cái tôi của bản thân mình thấp hơn để tránh xảy ra tranh cãi. Ở đây, tôi cũng tìm được những người bạn thân thực sự của mình, những người luôn thích nếm thử những món ăn Việt Nam của tôi, đi du lịch cùng tôi và lắng nghe tôi chia sẻ.

Chuyện du lịch: Ở Hà Lan, tôi chọn những phương tiện giá rẻ để đi du lịch khắp các nước châu Âu cùng bạn bè của mình. Mỗi một miền đất đi qua lại mang đến cho tôi những cảm nhận thực sự khác biệt. Những chuyến du lịch cũng cho tôi những bài học đắt giá nơi xứ người.

Đặt chân tới Đức, tôi bị móc túi mất toàn bộ ví tiền và giấy tờ, trong đó có cả hộ chiếu và thẻ cư trú. Tôi cùng người bạn đến cơ quan cảnh sát Đức để trình báo với tâm thế có thể sẽ chẳng tìm lại được. Nhưng tôi thực sự bất ngờ vì sự quan tâm và chia sẻ của họ.

May mắn hơn, chỉ sau vài tiếng, họ đã tìm ra ví của tôi và trả lại toàn bộ giấy tờ đã mất. Đây là sự may mắn, cũng là một bài học lớn cho tôi trong cách cất giữ những giấy tờ quan trọng.

Đặt chân tới Ý, lại một lần nữa không may, tôi lại bị móc túi khi đang chen chân lên một chuyến xe buýt. Tôi bị mất ví nhưng trong đó không có giấy tờ. Có vẻ như kinh nghiệm lần trước đã giúp tôi "khôn" hơn trong lần này và số tiền bị mất có lẽ là học phí tôi phải bỏ ra cho hai khóa học thực tế bất đắc dĩ này.

Học xong Thạc sĩ: Về hay ở?

Khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi khi đi du học.

Tôi chuyển đến một thành phố mới để tìm việc với tấm thẻ cư trú còn hạn 7 tháng. Sau 7 tháng, nếu không tìm được việc tôi sẽ trở lại Việt Nam. Việc ở lại hay không với tôi không phải là điều bắt buộc nhưng tôi cũng phần nào mong muốn được tiếp tục làm việc ở Hà Lan.

Tôi dành phần lớn thời gian đi làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Phần thời gian còn lại tôi dành cho việc đi tìm kiếm công việc chính theo ngành học của mình. Tôi nộp hàng trăm hồ sơ và 99% trong số đó là trượt, kể cả khi tôi đã đến vòng cuối. Điều này khiến tôi có phần mệt mỏi và chán nản. Thêm vào đó, việc chuyển sang thành phố mới cũng khiến tôi không khỏi cô đơn khi không có bạn bè bên cạnh.

Tuy nhiên, những áp lực này không khiến tôi bỏ cuộc. Tôi vẫn tiếp tục nộp hồ sơ rất nhiều lần sau đó. Đến tháng cuối cùng được ở lại Hà Lan, tôi may mắn được tuyển vào một tập đoàn lớn và làm việc ở đây cho đến bây giờ.

Đọc thêm bài viết về một số việc làm thêm phổ biến cho sinh viên quốc tế tại châu Âu

Những năm tháng du học giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh. Tôi cũng học cách suy nghĩ tích cực và tìm ra những bài học riêng cho mình.

Mất ví - không sao, nhờ đó mà tôi mời biết cảnh sát Đức nhiệt tình thế nào và trải nghiệm cảm giác của người vô danh trong vài tiếng.

Tôi mất tiền – không sao, của đi thay người

Chung sống với những người bạn không hợp tính – Không sao, tôi sẽ học được cách hòa hợp với nhiều dạng người.

Tôi luôn nghĩ mọi thứ đơn giản và tích cực như vậy. Cuộc sống luôn là một chuỗi những bất ngờ khó có thể nói chắc thành công hay thất bại. Con đường du học cũng vậy, cũng lên xuống không khác gì đồ thị hình sin.

Tuy nhiên, quyết tâm và tự tin là cách mà tôi vượt qua nó. Nguồn động viên to lớn đến từ bạn bè và gia đình cũng góp thêm sức mạnh giúp tôi vượt qua những khó khăn này. Những tấm ảnh gửi về từ khắp nơi trên thế giới, những lá thư từ những người bạn đi du học hay những lời khuyên chân thành từ cô giáo phần nào tiếp thêm sức mạnh và truyền cảm hứng giúp tôi kiên định trên con đường mình đã chọn.

Vì thế, tôi cũng mong có thể chia sẻ được với ngày càng nhiều các bạn học sinh, sinh viên, truyền cho các bạn nguồn cảm hứng và động lực để vững bước trên con đường mình đã chọn. Cho dù các bạn đang gặp khó khăn gì, hãy luôn nhớ về mục đích ban đầu mình đặt ra và các bạn luôn có sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình, trong đó có tôi.

Nếu một lúc nào đó bạn lạc hướng hay chán nản, hãy nhớ đến Mark Twain mà tôi rất tâm đắc: "20 năm nữa, bạn sẽ thấy nuối tiếc về những điều bạn không làm hôm nay hơn là những điều bạn đã làm. Vậy nên, hãy gỡ sợi dây buộc cánh buồm ra, dong thuyền ra khỏi vùng vịnh an toàn, đón lấy cơn gió và ra khơi. Khám phá, mơ ước, kiếm tìm".

Và hãy luôn nhớ rằng: CỨ ĐI RỒI SẼ ĐẾN.

Người tổng hợp: Trung Hòa

---

Ella Study - Giải đáp mọi câu hỏi du học chỉ trong 3 tiếng