1. Bạn hình dung cuộc sống khởi nghiệp như thế nào?

*Doanh nghiệp khởi sự được sử dụng chung là “startup” trong bài viết này.

“Tôi bước vào một tòa nhà trên đường Market Street (San Francisco). Tôi tìm bàn lễ tân để nhờ hướng dẫn nhưng không hề tìm thấy tên mình. Tôi gọi điện cho sếp mới của tôi, anh ấy gọi điện cho lễ tân và họ cho tôi vào. Tôi ngồi chờ 25 phút trước khi gặp sếp mới của mình, mặc áo đá bóng, quần thể thao và đi giày tennis. Anh ấy đưa tôi đến bàn làm việc, đưa tôi 1 chiếc laptop và nói, hãy gọi điện đi.

Là một trong những nhân sự đầu tiên, tôi rất may mắn khi được tận mắt chứng kiến quá trình công ty tăng trưởng tới hơn 1,000 nhân sự. Chúng tôi thường đùa, so sánh năm tháng khởi nghiệp với những năm cày cuốc “như trâu bò”. Tôi đã gặp rất nhiều những ngôi sao được mời vào làm việc, nhưng chỉ sau vài tháng họ chuyển sang 1 nơi khác. Làm việc tại các startup rất khó khăn và không dành cho tất cả mọi người”

(Pab Marley, blogger trên Medium)

Nếu bạn cần hướng dẫn từng bước theo cả 1 quy trình thì mới làm được việc, startup không dành cho bạn. Vì ở một startup không hề có bất kỳ một hướng dẫn cụ thể và đầy đủ nào. Bạn sẽ sốc hoàn toàn nếu vừa nghỉ ở 1 doanh nghiệp lớn đã có mặt lâu trên thị trường, quen với các quy trình. Hầu hết không có những câu quen thuộc như: “Đây là những việc bạn cần làm nếu điều này xảy ra”. Làm việc ở startup, bạn sẽ giống như ngồi xé 1 hộp bìa cát-tông và sắp xếp lại mọi thứ. Sẽ có rất nhiều vấn đề bạn cần phải chỉnh sửa và sắp xếp.

Ở nhiều nơi, bạn chỉ cần tìm đúng vấn đề và bộ phận chuyên trách có thể giải quyết vấn đề ấy. Nhưng ở 1 startup thì điều đó là không đủ. Mọi người đều biết, luôn có những vấn đề ở startup, nhưng họ sẽ không dừng lại ở đó. Họ sẽ tự tìm cách giải quyết vấn đề hoặc bỏ qua những vấn đề không quan trọng để tập trung vào những thứ quan trọng.

Ở startup, bạn sẽ phải quen với việc bị từ chối. Và thường xuyên bị từ chối. Không ai biết bạn là ai, bạn sẽ phải quen với việc chờ khách hàng dài cổ, không nhận được phản hồi email, hoặc đơn giản là khách hàng từ chối. Kiếm 1 người dùng sản phẩm của bạn đã khó, thuyết phục họ mua sản phẩm của bạn còn khó hơn. Và bạn sẽ phải thường xuyên tự vượt qua cái tôi, trò chuyện cùng họ ngay cả khi họ từ chối mình. Điểm khác biệt là, bạn sẽ dần khám phá đó chỉ là lời từ chối ở thời điểm hiện tại, không phải lời từ chối mãi mãi.

Nếu bạn quen với công việc hàng ngày cần gắn liền với kế hoạch, hẳn bạn không phù hợp với cuộc sống ở 1 startup. Không sử dụng được phòng họp chung vì bất chợt trùng giờ. Khách hàng gặp 1 vấn đề phải hỗ trợ đột xuất. Phát sinh điểm nóng cần xử lý gấp. Dừng ngay 1 hợp đồng đang triển khai vì gặp vấn đề trong thanh khoản... Đây là những vấn đề bạn sẽ ít gặp nếu làm việc ở 1 đơn vị lớn, nhưng lại là vấn đề hàng ngày hàng giờ ở 1 startup. Nếu bạn không thể chấp nhận những việc này, bạn sẽ không phù hợp với 1 startup.

Bạn luôn chỉ muốn làm việc 40 giờ 1 tuần? Công việc ở 1 startup luôn đầy rẫy những việc phát sinh, trong khi một loạt các việc chính của bạn vẫn cần được giải quyết. Nếu bạn không thích tầm nhìn hay định hướng công ty đang theo đuổi, bạn sẽ không phù hợp với startup. Nếu bạn không ngại dồn tâm huyết, mồ hôi công sức cho 1 thứ gì đó lớn hơn bản thân, startup sẽ dành cho bạn.

 

2. Con đường du học của bạn ra sao khi gắn với startup

Việc đầu tiên ngay trước khi quyết định bản thân mình sẽ theo đuổi khởi nghiệp, bạn cần biết startup không hề như mơ. Những gì báo chí ca ngợi các startup thành công, bạn không hề biết rằng những người sáng lập đã phải đánh đổi bằng xương máu. Họ phải tận dụng mọi thế mạnh của mình, của gia đình, những gì bản thân đang có. Bạn có thể thấy 1 startup hào nhoáng mới gọi được 1 vòng vốn $500k, nhưng bạn không hề biết họ đã phải đầu tư gấp 3 lần con số đó.

Biết chính xác mình có gì, và mình muốn đi đâu

Khi hướng dẫn các bạn học viên, việc đầu tiên chúng tôi yêu cầu là các bạn Mentor (Alumni) cùng học viên xây dựng được những tiêu chí mình mong muốn, và chấp nhận, để đi học. Đây là yêu cầu cơ bản ban đầu vì từ đó bạn mới có thể tìm kiếm, xây dựng và chọn lựa những chương trình phù hợp với mình nhất; và kế hoạch phát triển bản thân trên cả chặng đường ấy. Điều này cũng ứng với khi bạn khởi nghiệp, bạn sẽ cần xác định rất rõ động lực nào giúp mình vượt qua mọi khó khăn để xây dựng 1 doanh nghiệp như bạn vẫn mong muốn, trước khi thu hút, mời những người khác cùng tham gia, những khách hàng, hay sau này là nhà đầu tư.

 

Đa dạng hóa lựa chọn và cơ hội. Hãy làm quen với việc bị từ chối.

Bạn sẽ khó có thể được nhận nếu chỉ đặt 1 nguyện vọng. Nếu bạn có một ngân sách hạn chế, bạn cần ứng tuyển học bổng hoặc các chương trình miễn giảm học phí. Hiển nhiên các chương trình này có mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Do đó, bạn sẽ cần đa dạng hóa về các chương trình, mài giũa khả năng và nhanh chóng học hỏi qua từng thất bại. Nhận được thư từ chối hay không nhận được hồi âm, hãy cảm ơn những điều đó vì nó là động lực giúp bạn tìm thêm những chương trình phù hợp hơn, và nhìn lại toàn bộ hồ sơ của mình cần cải thiện những gì.

Khi bạn khởi nghiệp sau này, điều ấy cũng tương tự. Hãy quen với việc bị từ chối, xây dựng các tỷ lệ chuyển đổi theo từng bước chi tiết nhất trong quy trình. Thử sai và cải thiện dần.

 

Học cách tự sống sót

Nếu bạn theo học tại một trường đại học lớn, giáo sư của bạn có rất nhiều sinh viên giỏi và không thể dành nhiều thời gian hỗ trợ riêng cho 1 mình bạn cho đến khi bạn thành công. Bạn phải học cách tự sống sót, tự học để hoàn tất chương trình học; tự vượt qua những nỗi buồn, cô đơn ở nơi xa xứ, lệch múi giờ; tự tìm hiểu tất cả mọi thứ trong một môi trường xa lạ và mới mẻ.

Khi khởi nghiệp, bạn cũng sẽ phải tự mình sống sót. Sẽ không có nhà đầu tư nào rót vốn đủ cho bạn khi mới chỉ có ý tưởng và giấy tờ. Không một đối tác lớn nào sẵn sàng hợp tác với bạn khi bạn không có gì trong tay. Họ cần bạn tự sống sót đủ tốt, chứng minh được bản thân, mô hình, doanh nghiệp của mình. Tự cân đối các nguồn lực, tự quản trị đủ tốt để vừa có dòng tiền nuôi doanh nghiệp, vừa tập trung cho dự án cốt lõi.

Bằng tốt nghiệp của bạn ở nước ngoài chỉ là 1 điểm nhỏ. Điểm thuyết phục lớn nhất của bạn trong mắt đối tác, khách hàng là câu chuyện tự thân vượt qua mọi rào cản của chính mình, đặc biệt ở khả năng thích nghi (adaptivity) trong một môi trường mới.

Và, hãy tìm những người đồng hành, người dẫn đường đủ tốt để giúp bạn vượt qua những hành trình chông gai.