Bài viết chia sẻ bởi Alumni Nguyễn Trọng Duy, Thạc sỹ QTKD tại Đức, đã trải nghiệm tại 15 quốc gia từ 2009 đến 2016.

 

Thời mình học đại học, khi nhắc đến du học, mọi người đều nghĩ ngay đến học ở Mỹ, Nhật, Úc, Anh. Lúc đó, không một ai quen giới thiệu với mình về du học châu Âu.

 

Năm 2012, 24 tuổi, mình có cơ hội tham gia chương trình học ngắn hạn 1 tháng tại thành phố Kiel, phía Bắc nước Đức, giáp với Đan Mạch. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI và Bộ Thương mại và Công nghiệp của Đức lúc bấy giờ. Phía Đức tài trợ cho mình 100% học phí và sinh hoạt phí tại Đức 1 tháng, mình phải chi trả chi phí đào tạo tại Việt Nam và vé máy bay 2 chiều. Hồi đó cũng đắn đo, nhưng quyết tâm trải nghiệm.

 

Từ cảm nhận đầu tiên về châu Âu...

 

Châu Âu lạ lẫm đối với mình ở thời điểm ấy và thực sự ấn tượng. Đến giờ, cứ mỗi khi trời Hà Nội chuyển sang thu, mình lại nhớ lại những khoảng thời gian sống ở Đức.

 

Do tham gia chương trình ngắn hạn, mình được hỗ trợ khá nhiều từ phía đơn vị tổ chức chương trình (GIZ - Trung tâm Hợp tác Quốc tế ở Đức). Họ đưa đón tại sân bay, dẫn về nơi ở, giới thiệu về thành phố và những địa điểm để học viên khám phá.

 

Châu Âu cổ kính, nhưng vô cùng lãng mạn. Đức là một trong những quốc gia hiếm hoi, cùng với Ý, không có sự chênh lệch quá nhiều giữa các thành phố nhờ chiến lược phát triển Phi tập trung (Decentralization) của Chính phủ Đức. Mỗi thành phố đều có những nét đặc trưng riêng, chẳng hạn Kiel đẹp nhờ thành phố cảng và sát biển Baltic, Dresden lại có nét đẹp của thành phố cổ kính nhất nước Đức gần 1000 năm tuổi, Leipzig pha trộn giữa cổ kính và hiện đại.

 

Đến những kỷ niệm chẳng bao giờ quên trong đời...

 

Thời gian học khi ấy khá dày đặc, học từ sáng đến 5h chiều, từ thứ 2 đến thứ 6. Trong cả tháng ấy, có 2 tuần cả lớp được nghỉ từ thứ 6, đoàn mình chia thành 2 nhóm, 1 nhóm đi du lịch phía Đông Âu, 1 nhóm đi du lịch phía Nam. 1 tuần còn lại cả nhóm đi trải nghiệm Đan Mạch.

 

Sang Đức mình mới thấy được sự tiện lợi khi sinh sống ở trái tim châu Âu. Bạn có thể đi chơi xả láng sang các quốc gia khác nhờ visa Schengen; mua vé tàu theo nhóm 5 người vào cuối tuần, đi full ngày chỉ mất 8 EUR/người/ngày (tương đương 200.000 vnđ). Ở dorm (dormitory - khách sạn 1 phòng nhiều giường) như người Âu bản địa. Mua hàng chục loại bia ngon (ở Đức giá bán khoảng 50 - 80 cent tùy loại, tương đương 13 - 20.000đ/chai 500 ml) về tận hưởng cùng anh chị em trong đoàn trong khu bếp chung của ký túc xá, trò chuyện trên trời dưới biển trong buổi tối đẹp như tranh vẽ, khí hậu trong lành.

 

Đặc điểm khi du học kết hợp khám phá tại các nước châu Âu là bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều. Khi chưa quen với hệ thống phương tiện công cộng, bạn sẽ làm quen với hành trình đi bộ với 1 tấm bản đồ trên tay. Nhưng đó lại là 1 điều rất thú vị vì bạn sẽ khám phá được từng ngóc ngách của thành phố.

 

Và những trải nghiệm thay đổi cả cuộc đời bạn…

 

Ấn tượng lớn nhất trong văn hóa của người Đức cũng như châu Âu là họ sống rất quy củ. Ở Đức, mọi cửa hàng, cửa tiệm, nơi làm việc đều đóng cửa trước 8h tối để mỗi người đều có thời gian quây quần quanh gia đình, bạn bè. Năng suất làm việc của mỗi người dân Đức rất cao, vì họ có rất nhiều công cụ hỗ trợ bên cạnh quy củ, như quy trình làm việc, mạng lưới kết nối, công cụ, rô bốt.

 

Mình có dịp thăm nhà máy sản xuất xe Mercedes SClass dòng 2 chỗ mui trần tại thành phố Bremen. 1 ngày nhà máy này sản xuất 1,000 xe, nhưng lúc nào cũng chỉ có tối đa… 4 nhân công làm việc. Đặc biệt nữa là, 90% rô bốt sản xuất tự động họ nhập khẩu từ… Nhật. Tư duy tự động hóa và tìm đúng đơn vị cung cấp các sản phẩm hoàn thiện của Đức rất đáng học hỏi.

 

Mình nhờ đơn vị tổ chức chương trình kết nối để thăm quan 1 công ty sản xuất đồ công nghiệp xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Công ty này có hơn 1000 nhân viên, bắt đầu từ 1 công ty gia đình, được xây dựng từ trước đó hơn...70 năm. Khi tìm hiểu, mình biết được thời gian trung bình 1 nhân sự chuyển đổi công việc ở Đức là hơn 10 năm. Khi thăm quan công ty nói trên, mình mới thấy rõ tại sao họ làm được điều đó. Họ có 1 hành trình hướng nghiệp cho con cái của các nhân sự trong công ty từ khi học cấp 2, thường xuyên đến công ty bố mẹ làm việc, có khu vui chơi riêng, có chương trình thăm quan thực tế về hoạt động của công ty, và có cơ hội thực tập từ khi học đại học hoặc học hè cấp 3.

 

Hệ thống phương tiện công cộng của Đức cũng rất đặc biệt. Đức là quốc gia của đổi mới cải tiến. Các đơn vị vận tải nghiên cứu và thấy rằng phần lớn khách hàng của họ là những người già, trẻ em, người khuyết tật. Do đó, họ thiết kế chiều cao của các phương tiện không quá cao. Khi tiến sát đến điểm đỗ, phương tiện tự động nghiêng sang phải để sát với bề mặt điểm đỗ và mọi người đều dễ dàng lên được.

 

Rất nhiều trải nghiệm và ấn tượng khiến mình quyết tâm chọn Đức là điểm đến theo học bậc Cao học. Và một phần không nhỏ nữa là, học phí ở Đức rất thấp, chỉ khoảng 500 - 1000 EUR / kỳ học 6 tháng (tương đương 18 - 28 triệu đồng)

 

Giá trị thời gian trải nghiệm ngắn hạn tại Đức mang đến cho mình những gì?

 

Điểm nhấn rất thuận lợi trong profile. Sau này khi phỏng vấn APS (phỏng vấn bắt buộc đối với sinh viên Việt Nam nếu sang Đức học tập), các giáo sư thấy mình đã từng có thời gian ở Đức, hỏi han và ấn tượng về những gì mình trải nghiệm

 

Điểm nhấn đặc biệt khi xin visa: Khi mình phỏng vấn xin visa (kể cả sau này mình có dịp quay lại Đức, đi Úc, Ấn Độ và một số quốc gia khác), visa đi Đức trước đó giúp mình rất nhiều trong việc gây thiện cảm và tạo sự tin tưởng với ĐSQ.

 

Quyết tâm lớn tiếp tục trải nghiệm ở Đức để khám phá châu Âu: sau chuyến đó mình từ bỏ hoàn toàn mong muốn đi Mỹ, Anh, Úc. Mình quyết tâm kiểm 1 khoản vừa đủ khoảng hơn 200 triệu để theo học thạc sỹ tại Đức, bao gồm cả sinh hoạt phí, trong gần 1 năm.

 

Và chính việc trải nghiệm ở môi trường nước ngoài giúp mình có khả năng tự sống sót, sống còn trong mọi hoàn cảnh, khả năng tự tạo động lực, tự tìm định hướng, tự nghiên cứu và tự trải nghiệm. Nếu không du học, chắc giờ mình cùng các chiến hữu đưa được 1 startup như Ella vượt qua bao giông tố, phát triển cho đến giờ. Và có khi, giờ mình vẫn còn làm công ăn lương ở đâu đó, chứ không đang phát triển một dự án với khát vọng hỗ trợ hàng nghìn bạn trẻ như thế này.

 

Bạn đang chuẩn bị đi học ngắn hạn, hãy lưu ý những điều sau:

  • Nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, quốc gia học. Nghiên cứu kỹ về đời sống, sinh hoạt, dân cư tại thành phố mình đang muốn chọn làm điểm đến

  • Du học châu Âu rất khác so với học tập tại châu Á. Nhưng đồng thời cũng đầy lạc lõng nếu bạn chưa chuẩn bị. Nếu chọn đi châu Âu, hãy làm quen hoặc cùng 1 người bạn của mình đi cùng (nếu cũng dự định đi giống bạn). 2 người giúp bạn trải qua mọi thứ tốt hơn nhiều so với việc bạn chỉ có 1 mình, khi đây là lần đầu tiên bạn sống xa nhà.

  • Nếu có mong muốn xa hơn, tận dụng thời gian đi học ngắn hạn để phát triển sau này, cố gắng chọn thật đúng ngành học để bổ sung thêm các môn học mình đang thiếu; chuẩn bị kế hoạch tiếp cận với những người sẽ ảnh hưởng tới việc mình học cao học tiếp sau này, như giảng viên, hay bộ phận tuyển sinh của trường. Điều này giúp ích rất nhiều cho bạn, bạn sẽ thấy


Băn khoăn về định hướng, lo lắng có nên đi hay không, đi thì đi đâu, chuẩn bị kế hoạch thế nào, trải nghiệm ra sao,..., bạn hoàn toàn có thể nhờ tới cựu du học sinh trên nền tảng Ella hỗ trợ. Tư vấn định hướng dễ dàng, minh bạch, đúng nhu cầu, nguyện vọng của từng cá nhân với đúng người đã trải nghiệm hoàn cảnh của bạn. Đó là những gì nhóm mình khát khao khi xây dựng nền tảng, để ai cũng có thể tìm được người đồng hành cùng mình trên hành trình du học.

Du học hiệu quả không dễ, nhưng cũng không khó. Vấn đề chính là bạn sẽ cần hiểu và chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Đừng đi du học nếu thiếu định hướng bạn nhé!