CHỌN TRƯỜNG, CHỌN NƯỚC HAY CHỌN NGÀNH?

Và hàng chục con đường vượt qua bản thân

Tháng 8/2018, 1 cô bạn tên M. nhờ mình tư vấn trong tình trạng rất bất an, gần như là mất phương hướng. M. học Tài chính - Ngân hàng, làm việc tại 1 ngân hàng lớn, nhưng sau 4 năm làm việc, M. quyết định bỏ ngang vì thấy áp lực, và không còn thấy phù hợp với công việc tài chính nữa. Gia đình hối thúc lấy chồng, bản thân thì mất định hướng, bạn ấy chỉ muốn đi học ở châu Âu để tách biệt hẳn qua khủng hoảng, tìm lại động lực cho cuộc sống đang nhàm chán.

Với số tiền hơn 200 triệu tiết kiệm được sau 6 năm làm việc, bạn ấy rất muốn sang Đức, nhưng trượt APS thì gần như không có hy vọng. Tháng 8 lại quá thời gian nộp hồ sơ, trong khi áp lực bản thân không cho bạn ấy nhiều thời gian chuẩn bị nữa. Để xử lý ngay tình trạng thức thời khi ấy, mình giới thiệu M. với thày của mình, để có thể theo học luôn 1 chương trình ở VN, sau đó 1-2 kỳ học chuyển thẳng sang Đức.

Tháng 3/2019, 1 cậu bạn khác tên K., khi đó đang là bác sĩ nội trú của 1 bệnh viện tư lớn trong SG, nhờ mình cố vấn để sang Đức theo học đổi mới sáng tạo - ứng dụng công nghệ - khởi nghiệp trong ngành Y. Mình và K. khởi động bằng việc ứng tuyển 1 suất học bổng toàn phần theo học 1 khóa ngắn hạn tại Hàn Quốc do Bộ Y tế Hàn Quốc đài thọ. Dù chưa là người duy nhất ở VN được học bổng 2019, nhưng K. đã nằm trong shortlist để tham gia năm 2020.

Khi ấy vừa lập gia đình, vừa chờ đến kỳ nộp hồ sơ, mình và K. cùng kiếm công việc để phục vụ tốt hơn cho con đường lập nghiệp sau này của bạn ấy. Đích đến là vị trí trợ lý TGĐ 1 bệnh viện tư lớn ở HN. 2 tháng không có hồi âm, K. nhận được thư mời ra HN tham gia hội thảo 1 tuần của bệnh viện này. Khi đó rất khó nghĩ, vì còn vợ ở nhà, xa gia đình, chuẩn bị theo học chương trình ở SG vào tháng 9.

Giờ thì cả 2 bạn đều đã rất khác. M. đã sang Đức từ tháng 10/2019, học tại trường ĐH Thủ tướng Angela Merkel từng theo học. K. cũng chuẩn bị sang Đức vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021, mới được bổ nhiệm Quyền CEO tại 1 bệnh viện tư lớn ở Quảng Ninh ở tuổi 31. Mọi việc sẽ còn nhiều chông gai, M. không ngừng phải thuyết phục gia đình để có thời gian làm việc ở Đức, phát triển bản thân tốt hơn nhiều trước khi về nước; trong khi K. cứ 2 tuần / lần phải bay HN - SG để theo học, và chăm vợ bầu. Nhưng khi đã trải qua những khó khăn lớn, dồn dập cùng lúc, các bạn ấy mạnh mẽ hơn rất nhiều để vượt qua những thử thách sau này.


CHỌN TRƯỜNG, CHỌN NƯỚC HAY CHỌN NGÀNH?

Khi mình hỗ trợ M. và K., việc đầu tiên không xuất phát từ việc các bạn ấy muốn đi đâu, học gì, chuẩn bị ra sao; mà bắt đầu từ chính bản thân các bạn ấy: “Tại sao lại muốn đi học, để làm gì, muốn trở thành gì sau này, đã chuẩn bị cho bản thân như thế nào”. Điều này giúp cả mình và chính bản thân các bạn nhìn nhận, có nên đi học hay không, việc du học giúp gì cho mình.

Sau đó rồi mới quay sang chọn ngành học (ngành chủ đạo, các ngành bổ trợ), các tiêu chí mong muốn của bản thân; nghiên cứu - xây dựng danh mục các chương trình học, học bổng nếu cần, xây dựng con đường phát triển bản thân và các phương án back up; xây dựng bộ hồ sơ, chau chuốt để tạo ấn tượng nhất…

Kỹ năng đầu tiên mình cố vấn, huấn luyện cho các bạn mentee là: Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. 


Khi tìm review về trường hay học bổng, các bạn nên chủ động đừng để mình bị thông tin vùi dập hay gây nhiễu. Nếu bạn hỏi trường A có tốt không, em có nên học ở trường B không,... thì câu trả lời chắc chắn sẽ là: Có / Không, vì lý do này, lý do kia,...

Nhưng thực tế khác lắm.

Mỗi người 1 góc nhìn, chẳng ai có thể cung cấp cho bạn câu trả lời đầy đủ. Trường nào cũng có những điểm mạnh riêng (hay gọi là USP - Unique Selling Point): ngành chuyên sâu, kết nối việc làm ngay khi học, kết nối doanh nghiệp để sinh viên thực hành case study hàng tháng / quý, đội ngũ Alumni, Khu vực trung tâm thành phố,... Cũng như bạn không thể so sánh chung chung: học ở Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế quốc dân, VNU Hanu hay RMIT thì tốt hơn (?). Cụ thể hơn: tốt hơn với tiêu chí gì, ngành gì,...

Ella mình có nhiều câu chuyện. Có bạn học ở ĐH Jonkoping và ĐH Linneaus (Thụy Điển), dù không bằng các trường hàng đầu như Lund, Uppsala, nhưng ngay khi chưa tốt nghiệp bạn ấy đã làm việc ở IKEA (tập đoàn hàng đầu về nội thất). Có bạn học ở ISCOM (Pháp), trường tư thục thôi nhưng tháng nào cũng thực hành giải case của các tập đoàn lớn (hợp tác với trường) như Disney, vừa sang 6 tháng bạn ấy trở thành người Việt duy nhất làm việc ở tòa soạn The New York Times tại Pháp - tòa soạn đứng đầu thế giới về lượng người đọc online & offline.

Danh tiếng của quốc gia học, trường học chỉ là 1 yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là khả năng cá nhân vượt qua mọi khó khăn khi theo học ở nước ngoài.

Kỹ năng thứ 2 mình huấn luyện cho các bạn mentee là: lập kế hoạch bản thân, theo sát kế hoạch, và KHÔNG TỪ BỎ.


KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

Ứng tuyển học bổng hay Ứng tuyển vào các trường danh tiếng (như ở Ella mình hay đặt mục tiêu cao cho các bạn mentee là các trường top 4% toàn cầu) là bước đầu tiên để các bạn trải nghiệm hương vị: Một trọi trăm.

Điều các trường / đơn vị cấp học bổng chọn ở bạn: chọn những người phù hợp nhất và ấn tượng nhất. Do đó, họ thường đặt nhiều tiêu chí: điểm GPA, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc,.. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm ứng tuyển của các cao thủ như

Nhưng đừng quên, bạn phải trở thành người gây ấn tượng nhất. Cô bạn mentor làm việc ở The New York Times mình kể trên, vượt qua hơn 1,000 ứng viên khác vì cô ấy đã thiết kế CV của mình y hệt trang nhất của tạp chí The New York Times. Điều đó thể hiện khát khao, tâm huyết, khả năng ham học hỏi rõ hơn bất kể lời lẽ nào trong thư ứng tuyển.

Một gợi ý khác là bạn có thể xây dựng một bản kế hoạch truyền thông - marketing cho trường mình đang ứng tuyển học bổng. Nhưng đến cấp độ chuyên nghiệp hơn, để các trường trả phí cho mình, bạn sẽ phải gắn bó (commit) hoàn toàn với mục tiêu và kế hoạch hành động đã đề ra. Thay đổi kế hoạch là chuyện thường xuyên, nhưng thái độ đạt mục tiêu bằng mọi giá là điều không dễ thực hiện. Đó là “hương liệu bí mật” (secret sauce) gần 30 trường đại học lớn trả phí cho team mình trong suốt 3 năm qua, vì team mình giúp họ tuyển được hơn 500 học viên theo học các chương trình chất lượng cao. Có trường thì ghi trong báo cáo: trong 9 tháng nâng được 25% nhu cầu thị trường về đào tạo phi công hàng không dân dụng.

Hiển nhiên, kỹ năng thứ 3 mình huấn luyện cho mentee là: Thái độ quyết liệt theo sát mục tiêu (commitment), TẬP TRUNG và không ngừng thu thập dữ liệu để phân tích, tối ưu.

Sống phải có tinh thần và trách nhiệm với bản thân, đừng bao giờ “Em tưởng”, “Em không thể”


PEER - EVALUATION

Đây là một tâm lý cực-kỳ-nguy-hiểm, xuất phát từ văn hóa “Con nhà người ta”.

Nó là con dao hai lưỡi. Nhìn bạn bè đạt được thế này, thế kia, mình cũng phải cố gắng hơn.

Nhưng tích cực chắc chỉ 20%.

80% còn lại sẵn sàng “giết chết” bất kỳ 1 đội nhóm, cá nhân nào cố gắng hàng năm trời, bắt đầu có hướng sáng, bắt đầu mang lại thành tích; lướt facebook thấy bạn bè mình đứa đi Mỹ, Âu, đứa kiếm tiền tấn. Ngoảnh đi ngoảnh lại mình ở đây làm gì.. Sau đó rồi thì chán nản, buông bỏ, bị “cám dỗ” bởi một cơ hội khác. Việc này không khác gì đi đường chính, thấy tường đá, nhảy sang đường khác thấy có vẻ thông thoáng hơn, nhưng rồi sẽ lại gặp tường đá còn lớn hơn.

Mình cũng thế thôi. Dù may mắn “chưa” nằm trong 98%+ startup ngã ngựa, dù bé hay to, nhưng khi nhìn xung quanh, đứa đi làm thuê vài năm mua được nhà, ô tô; đứa thì năm rồi kinh doanh thu lãi lớn, đổi xe ầm ầm.

Có thể chưa chắc con đường mình đang đi là đúng và sẽ theo đuổi suốt, nhưng hãy cố hết mình phá tường đã, và không ngừng trau dồi luyện chưởng. Startup nghe thì “có vẻ hào nhoáng”, thực tế căng thẳng lắm chứ. Giai đoạn suôn sẻ thì không nói làm gì, nhưng giai đoạn vất vả thì ai hay. Gồng gánh team vài chục người, vừa cần tiền để duy trì hoạt động vừa tránh các cạm bẫy B2B, B2C đầy đau đớn. Nhưng 3 năm khởi nghiệp mình vẫn tự hào vì có 1 đội ngũ đồng hành đủ mạnh, cùng vượt qua khó khăn; và team này dù dự án có sập, vẫn còn rất nhiều cánh cửa lớn khác bởi họ cần những người tâm huyết, làm thật, đã trải qua hành trình từ con số 0 - chẳng có nguồn lực gì - đến vài nghìn học viên, hơn 100 đối tác.


Kỹ năng thứ 4 mình huấn luyện cho mentee là: Vào mạng xã hội ít thôi. Không nhìn ngó lung tung. Tập trung đánh trận.

Ứng tuyển 5 học bổng, 5 trường xịn không được, thì cải thiện, ứng tuyển tiếp 10 học bổng, 20 trường… Chỉ là, họ đã tìm được những người phù hợp nhất với tiêu chí của họ, còn mình vẫn sẽ phải tìm tiếp những học bổng - trường phù hợp với mình.


TÌM NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

Bác mình từng nói 1 câu: “Nếu cháu thành công, không phải chỉ một mình cháu làm nên thành công đó.”

Trên cả hành trình, rất khó để đạt được 1 mình. Gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, mỗi người đều đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của bản thân mình.

Bên cạnh đó, bản thân mình cũng không ngừng tìm những cao thủ để cố vấn, đồng hành cùng mình trên cả chặng đường. Hiện mình đang có 5 mentor cá nhân và cho cả team. Họ là những người anh, cố vấn, nhà đầu tư. Họ giúp mình quay trở lại con đường mình đi, tìm những mảnh ghép mình còn thiếu, vực mình khi ngã. Đổi lại, mình cam kết với họ bằng cổ phần; bằng hành động mình không bỏ cuộc đến cùng cho điều cả mình và họ đặt niềm tin.

Kỹ năng thứ 5 mình huấn luyện cho mentee là: TRÂN TRỌNG và TỬ TẾ với mọi thứ trải qua cuộc đời mình.


1 bài tâm sự dài nhân dịp đầu năm trong khi mọi người đều đang tránh dịch. Hy vọng giúp các bạn ươm mầm nhiệt huyết, tiếp tục tìm kiếm học bổng và con đường du học, phát triển của riêng mình.

...

Đôi điều về tác giả, để anh em biết mình không chém linh tinh: cựu du học sinh Đức, 11 năm cày cuốc trong ngành giáo dục, khởi nghiệp. Đồng sáng lập Ella Study - top 5 startup Việt (2018), top 5 Founder of The Year (ASEAN Rice Bowl Award 2019) - đã hỗ trợ hơn 1,000 học viên, 30+ đối tác trường đại học lớn kể từ 2017. Biết cách vừa khởi nghiệp vừa chăm 2 nhóc tì 4 tuổi và sơ sinh.

Nguyen Trong Duy
Nguyen Trong Duy
Thạc sỹ QTKD ĐH Leipzig – Đức. 10 năm kinh nghiệm ngành giáo dục (MOET, TOPICA). Đã hỗ trợ 20+ học viên du học thành công tại các trường ĐH top 4% toàn cầu