Trước khi sang Úc, mình cũng đã tự nói với bản thân phải thay đổi phong cách học thụ động quen thuộc ở Việt Nam. Mình sẽ chủ động nêu ra quan điểm cá nhân và sẵn sàng biện luận để bảo vệ những ý kiến đó. Đây luôn là điều mình khao khát được nhìn thấy ở giáo dục Việt Nam, và mình nghĩ, du học Úc sẽ chính là một cơ hội để mình trải nghiệm phong cách học tiến bộ này.

 

Môn đầu tiên mình học là một môn bắt buộc của khoa Law, Humanities and the Arts (tạm dịch: Luật, Nhân văn và Nghệ thuật). Đây luôn là một khoa có ít du học sinh theo học so với các khoa khác như Business (kinh tế) hay Engineering (kỹ sư). Lớp mình lúc đó có khoảng 15 sinh viên, nhưng chỉ có mỗi mình là sinh viên châu Á. Trước khi tiết học bắt đầu, mình đã rất hào hứng làm quen với những người xung quanh. Nhưng rồi, mình bắt đầu cảm thấy như bị bỏ rơi dần về phía sau, vì mọi người bắt đầu nói về những chủ đề mình không quen thuộc, hay cũng bởi do khả năng giao tiếp còn hạn chế của mình.

 

Sau phần giới thiệu môn học và làm quen, buổi học bắt đầu với chủ đề "Privacy and Consent". Trước khi bắt đầu thảo luận, thầy giáo đã viết lên bảng chữ "Sex" rất to và nói với mọi người: "Tiếp theo đây chúng ta sẽ nói về một vấn đề tương đối nhay cảm, bạn nào không thích có thể đi ra ngoài". Mình cũng hơi phân vân nhưng thấy mọi người đều tỏ thái độ khá thoải mái nên mình cũng nhanh chóng ổn định tinh thần. Tiếp theo đó, thầy bắt đầu bật đoạn video quay trộm được phát tán trên internet về hai người đang quan hệ trong văn phòng mà quên kéo rèm (->.<-). Quả thực, mình đã rất sốc. Mặt mình đỏ bừng, mong muốn chạy ra khỏi lớp lớn hơn bao giờ hết. Nhưng khi nhìn ra xung quanh, mình thấy mọi người khá thích thú, chỉ trỏ, thậm chí cười đùa. Mình bắt đầu tự nhủ với lòng mình "Đây chỉ là một chuyện hết sức bình thường" và tiếp tục ngồi xem cho đến khi kết thúc.

 

Tiếp đó là đến phần thảo luân. Thầy chia lớp thành từng nhóm nhỏ để trả lời những câu hỏi về video vừa được xem. Mình cũng tham gia đóng góp ý kiến cùng nhóm nhưng dường như vẫn cố ý tránh từ "sex" trong khi các bạn cùng nhóm có vẻ khá thoải mái nói về những vấn đề được cho là "riêng tư và tế nhị" này. Hết thời gian thảo luận nhóm, thầy chỉ định một người bất kỳ trong nhóm đại diện nêu lên quan điểm của nhóm mình. Điều khác biệt tiếp theo mình nhận ra được đó là họ không cần đợi người phát biểu nói xong mới đóng góp ý kiến mà có thể chen ngang bất cứ khi nào. Điều này rất khác so với ở Việt Nam khi chen ngang được cho là một hành vi bất lịch sự. Trong 3 năm sống tại Úc, mình nhận thấy người Úc rất hoan nghênh sự "chen ngang" đóng góp ý kiến, bạn có thể cắt lời giáo viên nếu có bất cứ điểm nào cần thắc mắc. Nhưng đến khi mình được thầy chỉ định đại diện nhóm phát biểu ý kiến, cả lớp bỗng dưng yên tĩnh hẳn. Mình cảm nhận được mọi người đều đổ dồ ánh mắt về phía mình và kiên nhẫn đợi mình phát biểu xong mà không có sự cắt lời giữa chừng. Mình lúc đó cảm thấy áp lực, bắt đầu trả lời ấp úng và nhỏ tiếng dần. Buổi học đầu của mình kết thúc với sự hoang mang và có chút lo lắng.

 

Đây là câu chuyện về buổi học đầu tiên của mình. Chắc chắn mỗi người đều sẽ có những trải nghiệm khác nhau về những "lần đầu tiên" nơi xứ người. Điều mình muốn gửi gắm tới các bạn là, đừng để những nỗi sợ hãi hay lo lắng cản đường các bạn đi tới ước mơ của mình. Mình cũng đã từng lo lắng và hoang mang những ngày đầu tiên, nhưng ngay cả trong lúc đó mình cũng đã học được thêm rất nhiều điều mới về văn hóa và con người nơi đây. Mình dần quen thuộc với phong cách học và văn hóa Úc 1 tháng sau đó, bắt đầu làm quen và nói chuyện với nhiều người bạn bản địa và thậm chí phụ trách phân công các công việc nhóm. Và tất nhiên, những vấn đề "riêng tư và tế nhị" kia đã không còn có thể làm khó mình, khi mà mình vẫn phải gắn bó với nó trong những năm tiếp theo ở các môn "Giao tiếp đa văn hóa" hay "Văn học Nhật Bản" (Có lẽ mình sẽ viết một bài "Đất nước Úc đã bôi đen tôi như thế nào" :v) Anyway, mình nghĩ rằng, chỉ cần luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận những điều mới, bạn sẽ có thể nhanh chóng hòa nhập được với môi trường xung quanh \(^o^)/.