Nói đến du học, hẳn nhiều bạn nghĩ đó là một niềm mong muốn mình đã ấp ủ từ lâu. Nhưng bạn có biết thực sự du học như thế nào? Trong số hơn 500,000 người muốn đi học mỗi năm thì có bao nhiêu bạn thành công? Và tại sao có nhiều bạn rất thành công, còn nhiều bạn thì không?

Sau đây, tôi sẽ điểm lại 3 điều quan trọng từ chính kinh nghiệm của các cựu du học sinh mà có thể bạn sẽ phải nhìn lại mình thật kỹ

 

1. Đừng đi du học nếu thiếu định hướng

Bất cứ việc gì bạn cũng cần có 1 định hướng rõ ràng. Định hướng theo ngành gì sau này, để từ đó chọn lựa ngành học sau phổ thông của mình. Đặc biệt, với du học, có một định hướng rõ ràng cực kỳ quan trọng. Thử đặt phép tính đơn giản, bạn phải trả 1 khoản tiền khoảng 30-50 nghìn đô và 2 năm học tập ở nước ngoài. Trong khi đó bạn học xong ở nhà, làm việc mỗi tháng lương bét cũng phải 5-6 triệu, 2 năm đã là hơn 100 triệu rồi. Nếu có chí hướng phấn đấu, công việc cứ thế lên dần, lương tăng, vị trí tăng. Chi phí cơ hội quả thực không hề nhỏ đâu.

Chưa kể đến việc vì 1 số lý do, bạn phải tốt nghiệp muộn hơn những người khác (để học tốt ở nước ngoài khó lắm, không như bạn nghĩ đâu). Rồi học mãi không xong, chán nản, kiếm việc linh tinh đi làm thêm, mãi không tốt nghiệp nổi. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 4 năm…

Định hướng rõ ràng giúp bạn biết đích xác mình đi du học để làm gì, 2 năm nữa ra sao, 5 năm nữa như thế nào, từ đó quyết định học ngành gì, ở đâu, trong bao lâu phải học xong.
Làm thế nào để có định hướng? Việc này lại là cả 1 câu chuyện dài, tôi sẽ viết sâu hơn về cách thức tìm ra định hướng của mình ở những bài sau.

 

2. GRIT – Bạn có biết giá trị lớn nhất của du học sinh?

Trong những ngày gần đây, một video bài thuyết trình của một nhà tâm lý học (trước là giáo viên) được lan truyền với tốc độ rất nhanh. Bà cùng cộng sự dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự thành công của con người trong thời gian dài. Đó không phải là gia cảnh, không phải nền tảng, không phải khả năng, mà là GRIT – hiểu nôm na là mục tiêu dài hạn của mỗi con người.

Khi nghe cả bài phát biểu ấy, du học sinh chúng tôi cảm thấy đồng cảm một cách đặc biệt.

Bạn biết đấy, khi đã đi du học, bạn bỏ lại đằng sau tất cả mọi thứ. Bỏ lại các mối quan hệ, định hướng nghề nghiệp, bạn bè, cơ hội việc làm để bươn chải ở nơi xứ người.

Rời khỏi vòng tay của bố mẹ, bạn phải lăn lộn tính toán chi tiêu từng đồng, tìm khắp mọi nơi những thứ ngon – bổ - rẻ, hục mặt đi kiếm việc làm thêm để có thêm tiền sinh hoạt, và để lại được những đồng tiền mồ hôi nước mắt mang về. Có những thời điểm chúng tôi ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc vì tháng đấy vì một số việc phát sinh, nên lỡ “lạm chi”. Những buổi tối muộn hoặc sáng sớm, một mình bước chân trong giá lạnh để đến nơi làm việc, về nhà hoặc đến trường. Rồi tụ tập nhau cùng ăn, cùng chơi cho vơi nỗi nhớ, vì bên đấy tự kỷ lắm.

Quan trọng nhất là, chúng tôi lúc nào cũng thấy cô độc nơi đất khách quê người. Dù không nói ra, nhưng những người bản địa vẫn luôn có lòng tự tôn dân tộc, ưu ái với những người trong nước mình. Vì lẽ đó, sống bình thưởng ở nước ngoài đã khó, có công ăn việc làm ổn định lại càng khó hơn. Nhiều người đã ở nước ngoài hơn chục năm, kể những câu chuyện mà nghe ứa nước mắt…

Tất cả những trải nghiệm ấy vun vén trong mỗi du học sinh tinh thần vượt khó, vượt lên mọi khó khan, thử thách. Khó khăn là vậy, thế mà vẫn không ít người rất thành công trong sự nghiệp, trở thành những giáo sư, tiến sỹ nổi tiếng; hoặc được tuyển dụng làm việc trong những công ty đa quốc gia khổng lồ mà bạn vẫn luôn mơ ước.

Rồi có cả những con người về nước khởi nghiệp. Không phải không có lý do, các doanh nghiệp, tổ chức lớn luôn có những ưu ái nhất định cho các du học sinh về nước. Khả năng chỉ là một phần. Sau cả quá trình bươn chải, kinh nghiệm vượt lên chính mình, hướng tới những mục tiêu lâu dài luôn là kim chỉ nam và công cụ lớn nhất giúp các du học sinh bắt nhịp nhanh với mọi hoàn cảnh, ứng biến sắc sảo với mọi sự thay đổi, và có góc nhìn toàn cầu chứ không đóng khung. Chính GRIT là động lực lớn nhất giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại, để luôn vững chãi tiến về đích.

 

3. Làm chủ và lên kế hoạch cho mình

Khi bạn đã có những định hướng rõ ràng, và 1 mục tiêu lớn làm động lực sống, việc tiếp theo, bạn cần làm chủ và lên kế hoạch mọi việc cho mình.

Hãy tìm nhiều trường, và đặt những ưu tiên cho từng trường. Các bạn biết không, các trường luôn cố gắng có được nhiều hồ sơ đăng ký càng tốt, vì điều đó giúp họ sàng lọc ứng viên tốt hơn, chọn lựa được những học viên phù hợp nhất để tỷ lệ tốt nghiệp ngày càng cao, đội ngũ Alumni càng ngày càng khủng, không ngừng nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo. Bạn cũng nên giống họ, tìm nhiều trường, tìm hiểu kỹ chương trình học, điều kiện đầu vào, sinh hoạt, rồi bạn cũng sẽ có cơ hội chọn lựa trường chứ chỉ có 1 lựa chọn duy nhất

Hãy tạo sự khác biệt trong hàng nghìn hồ sơ. Thường bộ phận tuyển sinh chỉ dành thời gian 2 – 5 phút đọc hồ sơ của bạn. Chương trình càng xịn, cơ chế lọc càng khắt khe. Du học sinh nhà mình luôn gặp phải 1 vấn đề trong việc quy đổi điểm, kiểu gì cũng bất lợi trước các ứng viên ở các nước khác (đặc biệt là châu Âu). Thế nên, hãy tạo cho họ sự khác biệt từ những cái nhìn đầu tiên trong hồ sơ của mình. Làm mọi cách để bản CV, Motivation letter của mình ấn tượng và phù hợp nhất. Bây giờ bạn có rất nhiều công cụ để thiết kế 1 bản CV hoặc Motivation letter ấn tượng cho riêng mình, đừng tiếc 2 tiếng để đầu tư. Bạn có thể tham khảo cách 1 số Alumni của Ella đã làm nhé:

Tận dụng mọi nguồn lực mình có. Đôi khi, việc chuẩn bị du học không chỉ kéo dài vài tháng, mà kéo dài hàng năm trời nếu bạn muốn ứng tuyển vào các trường xịn (top 50 thế giới chẳng hạn). Bạn cần thời gian để tham gia các hoạt động, đạt điểm số học tập tốt hơn, có nhiều kinh nghiệm làm việc để đắp vào 1 bộ hồ sơ đủ tốt. Quan trọng nhất, bạn sẽ cần tận dụng mọi nguồn lực mình có phát triển mình không ngừng. Khởi nghiệp là một môi trường cực tốt để bạn rèn luyện bản năng ấy.

Học hỏi từ những người đi trước. Nếu như trước đây 5 năm, việc kết nối với những người đi trước cực kỳ khó, thì nay, mọi việc dễ dàng hơn nhiều nhờ công nghệ. Các bạn du học sinh chúng tôi luôn ở đó để chia sẻ, hướng dẫn các bạn bằng mọi cách, từ việc hướng dẫn các bạn định hướng cho mình, tìm kiếm trường học, quốc gia, chuẩn bị hồ sơ, hành trang lên đường,… Nằm trong chiến dịch “You could do better”, hàng tuần Ella sẽ tổ chức các buổi livestream với sự chia sẻ của các thợ săn học bổng các cấp học

Du học là cả 1 sự đầu tư lớn cho sự nghiệp. Bạn hãy chuẩn bị kỹ càng mọi thứ trước khi đầu tư nhé.