Hơn 6 tháng qua, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, tư vấn định hướng du học cho gần 100 bạn trẻ, mình cũng đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm và có rất nhiều câu chuyện hay ho. Sau đây là 5 sai lầm trong hướng nghiệp và định hướng du học của các bạn học viên mình hay gặp nhất

 

1. Học ngành A chỉ nên đi theo ngành A

 

Có 1 vấn đề lớn các bạn sinh viên hay gặp phải, là suy nghĩ thường bị bó buộc bởi những gì mình đã học và trải nghiệm.

 

Nhưng thực ra, những gì các bạn hình dung chỉ là 1 mảng rất nhỏ của vấn đề

  • Học kinh doanh mà vẫn hình dung công việc quản trị kinh doanh chỉ là quản trị con người - công việc - con người, chỉ cần có tư duy quản lý con người (traditional management)

  • Học Logistics mà chưa hề biết đến những đổi mới - cải tiến trong Global Supply Chain management, Technology transform

  • Học Năng lượng mà chưa biết GE - tập đoàn số 1 về năng lượng - đang đặt mục tiêu 2022 nằm trong top 10 công ty công nghệ toàn cầu

  • Học International Study mà không biết các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Chính phủ nước ngoài đều đang chuyển mình sang chuyển đổi số (digital transformation)

...

thì thật là NGUY

 

Khi bắt đầu vào đại học, điều bạn cần phát triển đầu tiên là khả năng tìm tòi, tự học, tự nghiên cứu. Thường thì sau 1 - 2 năm học bạn đã có thể nhận thức tương đối những kiến thức học được từ ngành này có phù hợp gì với mình không. Mình nên học tiếp ngành này không hay nên phát triển bản thân mình theo 1 ngành khác?

 

Nếu lỡ chọn sai ngành thì học tiếp ngành khác có vấn đề gì không? Có cần phải học văn bằng 2 không hay là tìm ngành phù hợp với ngành mình đã học để apply?

Câu trả lời là chẳng vấn đề gì cả, nếu có 3 khả năng sau bạn vẫn có thể sửa sai mọi lúc:

  • Khả năng giao tiếp: chẳng ngại ngần đi hỏi Alumni (người đi trước) hoặc bộ phận tuyển sinh / GV của chương trình mình đang ứng tuyển: tôi có background này, đã làm những thứ này, rất đam mê học chương trình của quý ông để phát triển bản thân theo hướng này. Tôi có thể học thêm 1 số chứng chỉ ngắn hạn bên ngoài để ghép vào academic profile của tôi có được không,...

  • Khả năng research: đi tìm hiểu curriculum của các môn ấy như thế nào? Bao nhiêu % đã khớp với mình, bao nhiêu % mình cần bổ sung?

  • Khả năng tự ra quyết định: nếu tỷ lệ phù hợp của môn học quá thấp, thì không có cách nào khác, bạn sẽ phải học văn bằng 2; hoặc tìm những lựa chọn dễ dàng hơn: đi làm lấy kinh nghiệm, học liên kết và chuyển tiếp sang nước ngoài. Đối với các đơn vị trong nước, ít nhiều bạn cũng có thể thuyết phục họ nhận mình tốt hơn là với 1 người ở quốc gia khác, không thể gặp mặt trực tiếp, và các đơn vị trong nước cũng cần những học viên khá như mình.

 

2. Vào cấp 3 / đại học mới bắt đầu hướng nghiệp, chọn ngành

 

Đây cũng đã từng là 1 kinh nghiệm xương máu của chính mình. Chọn ngành học đại học là International Study chỉ vì nghĩ làm việc về ngoại giao có vẻ hay, làm trong các tổ chức quốc tế có vẻ xịn. Nhưng khi đó hoàn toàn không có chút khái niệm nào trong đầu về “ngoại giao sẽ làm gì, các tổ chức quốc tế là những ai, họ hoạt động thế nào, mình sẽ làm gì ở trong đó,...”

Đến khi biết mình đam mê ngành khác thì đã muộn. Không thể xin được 1 học bổng đủ giá trị đối với 1 sinh viên ngoại đạo.

 

Ở nước ngoài họ có điều kiện hơn ta, có những bộ phim nói về nghề nghiệp và rất cuốn hút. Như “Captain Sully” là 1 ví dụ, khi ấy mình hỗ trợ truyền thông và tuyển học viên theo học ngành phi công, và mình đã đưa bộ phim này ra để mỗi 1 ứng viên tiềm năng theo học phi công cần xem và hiểu biết trước về nghề này.

 

 

Ở nước “nhà người ta”, trẻ con từ bậc tiểu học, cấp 2 đã suốt ngày được ngấm về nghề thông qua các sự kiện, các bộ phim - nguồn nguyên liệu dồi dào chính là nguồn cảm hứng vô tận để trẻ con định hình đam mê của mình ngay từ khi bé.

 

Tầm tuổi mình cách đây hai chục năm, chả có Internet, chả có nguồn thông tin đâu mà tìm hiểu. Bây giờ thì ai cũng có thể tiếp cận được những nguồn nguyên liệu này rồi. Có điều, với góc độ là bố mẹ, các anh các chị có thể đi tìm hiểu thường xuyên và cho con mình tiếp cận với những nguồn nguyên liệu ấy.

 

Hoa Kỳ có 1 phương pháp luận về hướng nghiệp: longitudinal methodology. Với phương pháp theo chiều dọc này, việc định hướng cho con trẻ được theo suốt chiều dài phát triển của con (từ việc tìm hiểu, nhận biết, trải nghiệm thực tế), chứ không chỉ được tập huấn 1 vài buổi. Con trẻ khi vướng mắc, được trang bị kỹ năng giao tiếp đủ tốt, để luôn sẵn sàng tìm kiếm những người đi trước - chuyên gia trong nghề, làm information review, giải đáp tất cả các thắc mắc về nghề của các cháu.

 

3. Đi học chỉ để lấy kiến thức

 

Đây là quan niệm từ ngày xa xưa, và đặc biệt chẳng bao giờ đúng đối với du học.

 

Du học hiệu quả là để trải nghiệm, học những nét tư duy cấp tiến của nơi mình theo học, hiểu được sự phát triển và suy nghĩ từ những môi trường - nền văn hóa khác với mình; và quan trọng nhất, học kỹ năng sinh tồn và phát triển bản thân.

 

Đi du học, không ai không trải nghiệm những thời gian cô đơn, phát triển một mình, lạc lõng trong cả 1 cộng đồng: từ ngôn ngữ, phương thức tư duy, cho tới ngoại hình. Rào cản ngôn ngữ còn khiến bạn cảm thấy stress khi không nghe được giảng viên, không hiểu bài, điểm thấp. Môi trường áp lực khi bạn không có ai để chia sẻ. Ngày qua ngày, vẫn những việc làm quen thuộc đầy chán nản.

 

Khi đó bạn cần phải học những gì?

  • Kỹ năng sống sót và tự thúc đẩy bản thân: tự tìm những nguồn cảm hứng để mình cảm thấy phấn chấn, khao khát trở lại

  • Kỹ năng lên kế hoạch: tự xây dựng kế hoạch học tập xen kẽ làm việc và chơi bời, đi du lịch để trải nghiệm

  • Kỹ năng quản trị cá nhân (self-management): tự ép mình thực hiện kế hoạch, làm gì - không làm gì, mua gì - không mua gì

  • Kỹ năng học hỏi (self-learning) và vươn lên để thích nghi (adaptation)

 

Tôi vẫn còn nhớ, khi học ở Đức, thày tôi (Dornberger) luôn hỏi trong thời gian tôi làm luận văn và gặp thày: “How do you get the data? How do you get the information? Any official methodology? Any related research?”. Kể cả khi chương trình tôi học là MBA, nhưng tư duy của người Đức - luôn tự nghiên cứu, khiến phương thức học cũng nghiêng theo cách thức của M.Sc (Master of Science).

 

Đó là tư duy nghiên cứu - tự học hỏi và phát triển - cải tiến của người Đức mà tôi “bắt buộc” được học rất nhiều trong thời gian du học. Nhờ tư duy ấy, họ có nhà máy sản xuất 1,000 xe Mercedes GLK 2 chỗ mui trần trong 1 ngày, chỉ với 2 nhân sự vận hành. Nhờ tư tưởng ấy, họ có xe bus luôn tự nghiêng sang phải để sàn xe sát với mặt đường - vì nhóm khách hàng sử dụng thường xuyên của họ là người già - trẻ em và người khuyết tật. Họ sở hữu hàng loạt thương hiệu lớn trên toàn cầu, không ngừng phát triển (Adidas, Hugo Boss, BMW, Volkwagen,...) nhờ tư duy ấy.

 

4. Bố mẹ kiếm tiền, con kiếm trường

 

Đây là quan điểm của không ít gia đình khi cho con đi du học. Và chính góc nhìn này, khi con cái chưa chuẩn bị đủ hành trang - tư duy - kỹ năng cần thiết, du học trở thành con dao 2 lưỡi, sẵn sàng vùi dập các cháu xuống tận cùng bởi sự cô độc và khác biệt về văn hóa - nền tảng tư duy.

 

Khi bố mẹ xác định việc chính của mình là kiếm tiền cho con đi học, mọi tập trung của bố mẹ sẽ xoay quanh vấn đề kiếm tiền. Khi đó, con cái luôn có suy nghĩ mình có sẵn 1 khoản tài chính để đi học và chẳng bao giờ phải lo về điều này.

 

Thực tế là, mọi đứa trẻ luôn cần có người định hướng, người tư vấn đồng hành trong suốt những năm phát triển tư duy và thế giới quan.

 

Những đứa trẻ không cần hỗ trợ từ A-Z, các em chỉ cần có người hướng dẫn, tư vấn cho mình cách làm để tự làm, cách học hỏi để tự nghiên cứu.

 

Khi có con rồi, ở cùng con thường xuyên, mình mới thấy con cái thay đổi từng ngày, và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh.

 

Khi con đứng trước quyết định lớn, bố mẹ giống như một nhà đầu tư chiến lược, cần giúp con tự tìm ra con đường, xây dựng kế hoạch cho mình, và yêu cầu con phải bảo vệ với mình về kế hoạch ấy. “Con đã nghiên cứu như thế nào về ngành này, nghề này có gì hay, sau này ngành ấy sẽ phát triển như thế nào? Con đi học trường này để làm gì? Đã có kế hoạch cho bản thân chưa? Con cần nguồn lực hỗ trợ như thế nào?”

 

Không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có khả năng tự hoạch định như vậy. Nhưng bố mẹ luôn có thể tối đa hóa khả năng tự phát triển - tự nghiên cứu tìm tòi - tự hoạch định kế hoạch của con mình. Hãy xem các phụ huynh Phần Lan kiên định với phương thức giáo dục con cái theo những kỹ năng để đối mặt với tương lai bất định.

 

5. Cứ chọn ngành học nào sau này lương cao mà đi học

 

Đây cũng là một câu hỏi bắt gặp khá nhiều. Nhiều lúc mình cũng nhìn lại mình với mấy anh em trong team: đi học nước ngoài về, cày cuốc khởi nghiệp, tiền chưa thấy đâu toàn thấy burn tiền túi. Exit được ít cổ phiếu mấy tuần sau đã thấy hết... Nên khi nghe nhiều câu này cũng hơi chạnh lòng :))

 

Một chị phụ huynh có con đang học cấp 3 tại 1 trường quốc tế, đang định cho con đi Úc, hỏi mình: “Theo em cháu nên theo học ngành nào để sau này công việc ổn định và lương cao?”

 

Mình hòi lại: “Theo chị 6 năm nữa khi cháu học xong, 10 năm nữa khi cháu bắt đầu làm việc, các ngành nghề, vị trí công việc sẽ thay đổi và chuyển đổi như thế nào?”

 

Nghề nào, ngành nào cũng có rất nhiều đất dụng võ để phát triển. Nông nghiệp thì có nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng thì có năng lượng tái tạo, công nghệ năng lượng, thực phẩm thì có chuỗi giá trị cung ứng, công nghệ thực phẩm, giáo dục thì có công nghệ giáo dục…

 

10 năm nữa, những gì được biết đến và đang hiển hiện ở thời điểm hiện tại sẽ khác xa rất nhiều.

 

Chẳng có gì đảm bảo, nếu cháu theo học quản trị kinh doanh hay tài chính, 10 năm nữa công việc trong ngành này sẽ như hiện nay.


Với tốc độ phát triển hiện tại cùng sự góp mặt của công nghệ - chuyển đổi số, mọi đứa trẻ luôn thấy 1 tương lai bất định. Luôn tồn tại cơ hội và rủi ro. Quan trọng nhất là, các bạn trẻ phải được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống sót, phát triển, thích nghi; phải luôn có khả năng tìm tòi, đọc hiểu và thích nghi với sự thay đổi.

 

Linkedin đã có báo cáo: 3 xu hướng của giáo dục trong tương lai là kỹ năng tư duy một cách khoa học (STEM, research,..), Life-long learning (soft-skill, up-skill,...), và Hướng nghiệp (Orientation).

 

Thay vì chọn ngành cho con, hãy trang bị cho con đủ kỹ năng để tự tìm hiểu, tự quyết định, và tạo động lực - tạo nguồn lực để con đạt được điều ấy. (tham khảo thêm về ‘21st century skills’)

 

Hướng nghiệp và định hướng du học như thế nào?

 

Gần với phương pháp luận longitudinal, Erasmus+ Mobility cũng tài trợ cho 1 dự án nghiên cứu về hướng nghiệp, gắn với life-long learning. Dự án này quy tụ nhiều chuyên gia về hướng nghiệp, và có những đội ngũ riêng đồng hành cùng học viên trong suốt quá trình xây dựng định hướng ban đầu và kế hoạch cho bản thân.

 

Tư duy của Ella trong việc hướng nghiệp và định hướng du học cho các bạn trẻ được phát triển theo 2 phương pháp trên: đồng hành cùng cá nhân (Peer-to-peer) bởi chính những người từng trải (Alumni) và tự nghiên cứu phát triển (self-development).

 

Khi chưa có định hướng rõ ràng, các bạn học viên luôn được yêu cầu tự research và xây dựng 1 bài nghiên cứu và 1 số ngành nghề có thể phù hợp với bạn ấy ban đầu (Tổng quan về ngành nghề, đang phát triển trên thế giới như thế nào, góp ích gì cho sự phát triển chung của nền kinh tế, các đơn vị lớn nhất trong ngành này đang làm gì - định hướng ra sao...)

 

Quá trình học viên tự research sẽ giúp chính bản thân các bạn ấy tìm ra những ngành nghề nào đang thu hút mình (khi chưa có đủ thời gian trải nghiệm với công việc thực tế).

 

Sau khi có bản nghiên cứu về ngành nghề, học viên tiếp tục research khóa học, tìm curriculum của từng ngành, xem có những môn học nào phù hợp. Trong trường hợp những môn học của ngành B rất thích nhưng không trùng với các môn học tại bậc đại học, học viển quay lại bước 2.

 

Với số lượng học viên phát triển dần, khoảng 3-4 tháng nữa trên app Ella sẽ có đầy đủ bài nghiên cứu tại nhiều ngành nghề để học viên sử dụng như 1 bộ lọc trước khi tìm Alumni.

 

Chẳng có gì quá cao siêu hay trừu tượng. Có nền tảng phương pháp luận và trải nghiệm, phát triển, cải tiến dần là sẽ thành hình.

 

Từng bước từng bước xây đắp. Chắc điều may mắn nhất du học dạy cho mình là Kỹ năng sống sót và không bỏ cuộc :)

 

Các bố các mẹ cứ tự tin, trang bị hành trang kỹ năng sinh tồn cho con, rồi quăng đâu con cũng chiến được, dù dòng đời bất định.